PHẦN 7

CAM NHÃN

Đại cương

Loại bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ bị cam tích.

Còn gọi là Cam Mắt, Nhãn Cam (Thánh Huệ Phương, Q. 87), Cam Tích Thượng Mục.

Nguyên nhân

+ Do cam nhiệt, Can hỏa bốc lên gây nên.

+ Do cam tích, tiêu chảy, nóng về chiều lâu ngày làm cho tinh khí bị suy hao, không nuôi dưỡng được mắt gây nên.

Triệu chứng

Lúc đầu mắt đỏ, nhặm, ngứa, dính, chói, đau nhức, chảy nước mắt. Về sau mắt mờ dần, tròng đen có màng trắng hoặc màng xanh, khát, uống nhiều mà vẫn gầy ốm, tiêu chảy, bụng trướng, mũi khô.

+ Do Can Tỳ suy yếu

. Chứng: Ăn ít, bụng trướng, mặt vàng, cơ thể gầy ốm, quáng gà, tròng trắng mắt khô.

Điều trị: Kiện Tỳ, tiêu thủng, dưỡng Can, làm sáng mắt.

Dùng bài Bát Trân Thang (02b) thêm Sơn tra, Trần bì, Dạ minh sa, để kiện Tỳ, ích khí, tiêu tích, dưỡng Can, bổ huyết, làm sáng mắt.

+ Do Tỳ hư, Can nhiệt

Chứng: Bụng đầy, tiêu lỏng, sốt về chiều, trong người bứt rứt không yên, tròng đen có màng hoặc mắt bị lở loét.

Điều trị:

Kiện Tỳ, thanh Can, sát trùng, tiêu cam. Dùng bài Phì Nhi Hoàn (74).

(Nhân sâm, Bạch truật, Phục linh, Cam thảo, Sơn tra, Thần khúc, Mạch nha để kiện Tỳ, tiêu tích; Hoàng liên, Hồ hoàng liên thanh thấp nhiệt; Lô hội, Sử quân tử thanh nhiệt, sát trùng, tiêu cam).

+ Sơ Can, tả nhiệt, dùng bài Tả Can Thang (89b).

+ Thanh nhiệt, thoái ế, dùng bài Thanh Nhiệt Thoái Ế Thang (107b).

+ Dùng bài Vu Di Hoàn (139) để trị Cam tích đồng thời kết hợp với bài Bổ Can Hoàn I (07) để bổ ích Can Tỳ.

+ Thảo quyết minh sấy khô, Gan gà (hoặc heo), thêm rượu vào chưng chín, ăn (Bản Thảo Cương Mục).

+ Gan dê hoặc gan heo, đem phơi sương một đêm, chấm với Dạ minh sa, ăn (Trung Y Học Khái Luận).

Thuốc nhỏ mắt:

. Sữa người hợp với Nhất Cửu Đơn (68b) nhỏ vào mắt.

Tra Cứu Bài Thuốc

02b- BÁT TRÂN THANG (Hòa Tễ Cục Phương): Bạch thược, Bạch truật, Cam thảo, Đương quy, Nhân sâm, Phục linh, Thục địa, Xuyên khung. Sắc uống.
TD: Bồi bổ khí huyết.
74- PHÌ NHI HOÀN (Y Tông Kim Giám): Nhân sâm, Bạch truật, Phục linh, Hồ hoàng liên, Hoàng liên, Sử quân tử, Thần khúc, Mạch nha (sao), Sơn tra, Lô hội, Chích thảo. Tán bột, trộn mật làm hoàn, mỗi hoàn 4g. Ngày uống 2 – 3 viên.
TD: Trị cam nhãn, cam mắt.
89b- TẢ CAN THANG (Chứng Trị Chuẩn Thằng): Chích thảo 20g, Địa cốt bì 80g, Tang bạch bì 40g. Mỗi lần dùng 12g, sắc uống. 
TD: Trị Tỳ và Can có nhiệt, nước mắt chảy ra nóng.
107b- THANH NHIỆT THOÁI Ế THANG (Y Tông Kim Giám, Q. 52): Chi tử (sao sơ), Hồ hoàng liên, Mộc tặc, Xích thược, Sinh địa, Linh dương giác, Long đởm thảo, Ngân sài hồ, Thuyền thoái, Cam thảo, Cúc hoa, Tật lê. Thêm Đăng tâm thảo, sắc uống. Trị cam nhiệt bốc lên gây nên chứng cam nhãn, mi mắt sưng, ngứa, lở loét, mắt có màng, chảy nước mắt.
139- VU DI HOÀN (Ngân Hải Tinh Vi): Vu di, Hoàng liên, Thần khúc, Mạch nha. Lượng bằng nhau, tán thành bột. Trộn với nước hồ làm thành viên, to bằng hạt đậu lớn. Mỗi lần uống 10 – 15 viên với nước cơm.
TD: Trị cam nhãn.
07- BỔ CAN HOÀN I (Thẩm Thị Tôn Sinh Thư): Bạch thược, Đương quy, Khương hoạt, Phòng phong, Sinh địa, Xuyên khung. Lượng bằng nhau. Tán bột, trộn mật làm thành viên 6g. mỗi lần uống 2 hoàn. Ngày 2 lần.
TD:Trị mắt có màng mây (Mã não ế).
68b- NHẤT CỬU ĐƠN (Nhãn Khoa Cẩm nang): Âm đơn 0,8g, Dương đơn 3,6g, Bằng sa (đốt khô) 0,36g, Đởm phàn (sống) 0,2g. Tán nhuyễn, trộn đều. Cho vào bình sành cất, để dành dùng dần. Khi dùng, lấy một ít chấm vào khóe mắt.
TD: Trị các chứng mắt đau, mắt có màng, xuất huyết ở mắt, mộng thịt, mắt loét…

CẬN THỊ

(Myopia - Myopie)

Đại cương

Cận: gần Thị: thấy. Cận thị là chỉ nhìn thấy ở gần.

Theo nguyên ngữ: Myopia thì My: mở một nửa, Opia: con mắt. Nghĩa là hé mở một nửa, mở lim dim. Trên thực tế người cận thị khi muốn nhìn xa thường phải nheo mắt, lấy mi hoặc bàn tay che bớt con ngươi để nhìn xa được rõ hơn.

Theo quang học, Cận thị là 1 tật chiết xạ làm cho mắt chỉ thấy rõ vật gần trước mắt.

Mắt cận thị chỉ có thể nhìn rõ khi sự vật được đưa lại gần mắt để hình ảnh được hội tụ tại võng mạc. Điểm xa nhất mà mắt nhận thấy được rõ gọi là viễn điểm. Đối với cận thị, viễn điểm ở 2 mét cách mắt độ cận thị sẽ là 1 Diôp (Diôp, đơn vị để đo sức nhìn của mắt), ở 0,5m độ cận là 2 Diôp…

Phân loại:

Theo các sách chuyên sâu về mắt có 2 loại cận thị:

1) Cận thị nhẹ :

Dưới 6 diôp: đáy mắt không có tổn thương ở mạch võng mạc. Độ cận tăng dần từ tuổi học đường đến trưởng thành, tuổi thành niên rồi cố định. Đeo kính phân kỳ thì thị lực trở lại bình thường. Nếu cận thị nhẹ diễn biến bình thường nơi người có sức khỏe bình thường, độ cận sẽ không thay đổi cho đến lúc lớn tuổi, lúc đó lão thị sẽ làm giảm số Diôp, khi đọc sách có thể hạ số kính hoặc bỏ kính.

2) Cận thị nặng (Cận thị bệnh):

Trên 7 Diôp, dù đeo kính thị lực vẫn không đạt được mức bình thường, mắt trông lớn có vẻ như hơi lồi, đáy mắt có nhiều suy biến nơi mạch mạc và võng mạc.

Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân gây ra cận thị.

- Do Thủy tinh thể quá phồng hoặc do nhãn cầu dài quá làm cho hình ảnh hiện lên trước võng mô. Bình thường đường kính trước sau của nhãn cầu vào khoảng 20mm, nơi người Cận thị đường kính đó gia tăng làm cho mắt dài quá khổ, hình ảnh thu vào võng mạc bị khuếch tán gây ra mờ, không rõ.

- Do không biết điều tiết mắt, bắt mắt làm việc (đọc sách, xem truyền hình…) quá lâu gây mỏi cơ mắt, đọc sách ở nơi không đủ ánh sáng.

- Theo YHCT do Thận và Can suy, Can khai khiếu ở mắt, Can lại tàng huyết, nếu huyết không đủ đem lên nuôi dưỡng phần trên làm mắt sẽ suy kém. Thận sinh Can, nếu Thận Thủy suy kém không nuôi dưỡng được Can mộc làm cho Can không khai khiếu được ở mắt, mắt sẽ kém. Thường là do dương khí hư kém bên trong.

Điều trị

+ Kiện Tỳ, ích Thận, cố tinh, làm sáng mắt. Dùng bài

Bổ Thận Từ Thạch Hoàn (10).

Tang Phiêu Tiêu Phương (95).

(Tang phiêu tiêu vào kinh Can, Thận để ích âm, sinh tinh, thu sáp; Phúc bồn tử vào kinh Can, Thận để ích Thận, cố tinh, bổ Can, làm sáng mắt; Thỏ ty tử tính không ôn cũng không táo, để bình bổ âm dương, bổ Thận, dưỡng Can; Đảng sâm bổ trung ích khí, kiện Tỳ, trợ vận; Bạch truật bổ Tỳ, táo thấp; Tiêu lục khúc tiêu thực, hòa Vị; Sơn dược ích Phế Thận, bồi bổ cho hậu thiên. Các vị thuốc hợp lại có tác dụng kiện Tỳ, cố Thận, sáp tinh, bổ tiên thiên bất túc. Tinh huyết được nuôi dưỡng, thị lực sẽ tăng lên, nhìn xa được, có tác dụng tăng cường thị lực, nâng cao thị lực).

+ Tư bổ Can Thận, hoạt huyết, thông khiếu, dùng bài Ngũ Tử Cận Thị Hoàn (68).

10- BỔ THẬN TỪ THẠCH HOÀN (Trung Y Tạp Chí (10) 1958): Cam cúc hoa, Hà từ thạch, Nhục thung dung, Thạch quyết minh, Thỏ ty tử đều 40g. Tán bột.

Dùng 10 con chim sẻ trống, bỏ lông, mỏ và chân đi, để ruột và bụng lại, lấy Thanh diêm 80g, đổ 2 lít nước nấu cho đến khi thịt chim sẻ nát bấy, gần cạn hết nước là được. Lấy xác chim ra, giã nát như cao, trộn với thuốc bột làm thành viên, mỗi viên 10g. Mỗi ngày uống 2 viên với rượu nóng, lúc bụng đói.

TD: Trị cận thị.

68- NGŨ TỬ CẬN THỊ HOÀN (Quảng Tây Trung Y Dược) (4) 1986): Tang thầm tử 15g, Câu kỷ tử 18g, Hoàng kỳ 15g, Viễn chí, Hồng hoa, Thạch xương bồ, Phúc bồn tử đều 12g, Thanh tương tử 18g, Ngũ vị tử 21g, Thăng ma 9g, Băng phiến 0,15g. Tán bột, trộn mật làm viên, mỗi viên 9g. ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên.

TD: Tư bổ Can Thận, hoạt huyết, thông khiếu, thăng dương, ích khí. Trị cận thị.

(Trị 34 ca, toàn bộ có hiệu quả, thị lực tăng 0,2 – 1,2).

95- TANG PHIÊU TIÊU PHƯƠNG (Danh Y Trị Nghiệm Lương Phương): Tang phiêu tiêu 9g, Phúc bồn tử, Thỏ ty tử đều 15g, Đảng sâm, Bạch truật đều 9g, Sơn dược 15g, Lục khúc (tiêu) 16g. Sắc uống.

TD: Kiện Tỳ, ích Thận, cố tinh. Trị cận thị.

CẦU THẬN VIÊM MẠN

Đại Cương

Thuộc phạm vi chứng Phù Thũng của YHCT (thể Âm Thủy).

Nguyên Nhân

Thường do cảm nhiễm phong tà, thủy thấp và thấp nhiệt (thể dương thủng), rồi lâu ngày vì mệt nhọc, cảm nhiễm, ăn uống không cẩn thận, bệnh không khỏi, thường tái phát, làm giảm sút công năng vận hóa thủy thấp của Tỳ và công năng khí hóa thủy thấp của Thận khiến cho nước ứ đọng lại sinh ra phù lâu ngày.

Triệu Chứng

Trên lâm sàng thường gặp 3 thể sau:

1- Tỳ Dương Hư: Phù ít, không rõ ràng, phù ở mi mắt, sắc mặt xanh trắng, thở gấp, tay chân mỏi mệt, ăn kém, bụng thường hay bị đầy, phân nhão, tiểu ít, chân tay lạnh, chất lưỡi bệu, có vết răng, mạch Hoãn.

Ôn bổ Tỳ dương, lợi niệu.

+ Dùng bài Thực Tỳ Ẩm: Phụ tử (chế), Hậu phác, Mộc hương, Thảo quả, Mộc qua, Đại phúc bì đều 8g, Phục linh 16g, Bạch truật 12g, Can khương 4g (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

Hoặc bài Vị Linh Thang gia giảm: Quế chi, Hậu phác 6g, Ý dĩ 16g, Thương truật, Phục linh bì, Trạch tả đều 12g, Xa tiền 20g, Xuyên tiêu 4g. Sắc uống (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

+ Dùng: Ý dĩ 30g, Hoài sơn, Biển đậu, Mã đề, Xích tiểu đậu đều 20g, Đại hồi, Can khương đều 8g, Đăng tâm, Nhục quế đều 4g (Y Học Cổ Truyền Dân Tộc).

+ Tuyên Phế Lợi Thủy Ẩm (Thiên Gia Diệu Phương q Hạ): Cát cánh, Hạnh nhân, Mộc thông đều 5g, Ý dĩ nhân, Phục linh, Trư linh, Trạch tả, Đại phúc bì, Ngũ gia bì đều 10g, Trần bì 5g, Thông bạch 1 khúc.

TD: Tuyên Phế, sơ biểu, lý Tỳ, lợi thủy. Trị Thận viêm mạn (Phế khí không tuyên, Tỳ không vận hóa được, nước ứ lại gây phù).

Châm Cứu: Cứu Tỳ du, Vị du, Túc tam lý, Tam tiêu du, Thủy phân (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

2- Tỳ Thận Dương Hư: Phù không rõ, ít kéo dài (nhất là ở 2 mắt cá chân), bụng trướng, nước tiểu ít, sắc mặt trắng, lưng mỏi, lanh, chân tay lạnh, sợ lạnh, tiêu chảy, mạch Trầm Tế.

Điều trị: Ôn Thận và Tỳ dương.

+ Dùng bài Chân Vũ Thang gia vị: Bạch truật, Bạch thược, Bạch linh, Trạch tả, Xa tiền đều 12g, Phụ tử (chế), Trư linh đều 8g, Can khương 6g, Nhục quế 4g (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

+ Đậu đỏ, Cỏ xước, Đậu đen đều 20g, Thổ phục linh, Tỳ giải, Hoài sơn đều 16g, Mã đề, Tiểu hồi đều 12g, Đại hồi 10g, Nhục quế, Can khương đều 6g. Sắc với 600ml nước, còn 200ml. Ngày uống 2 lần (Y Học Cổ Truyền Dân Tộc).

+ Thổ phục linh, Tỳ giải, Hoài sơn đều 16g, Đậu đỏ, Đậu đen đều 20g Đại hồi 10g, Nhục quế 8g, Tiểu hồi, Mã đề đều 12g, Can khương 6g. Sắc uống (Y Học Cổ Truyền Dân Tộc).

+ Thanh Hóa Ích Thận Thang (Danh Y Trị Nghiệm Lương Phương): Hoàng kỳ, Ba kích đều 30g, Bạch mao căn, Tiêu bạch truật, Sơn dược đều 20g, Lộc giác giao (hoặc Lộc giác sương 30g), Sơn thù nhục, Tỳ giải đều 15g, Mộc thông, Nhục quế đều 10g, Sa nhân 9g. Sắc uống. Uống 5 ngày, nghỉ 2 ngày lại tiếp tục uống. 3 tháng là một liệu trình.

TD: Ôn Thận, kiện Tỳ, phân thanh giáng trọc.

Trị 40 ca đều tiêu hết phù, hết albumin trong nước tiểu.

+ Ích Thận Thang (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Sinh địa, Bạch truật đều 15g, Bạch mao căn 50g, Phục linh 20g, Đơn bì 10g, Mạch môn 15g, Tây thảo 20g, Tiểu kế, Đại kế đều 20g, Hoạt thạch, Trạch tả đều 20g, Cam thảo 10g.

TD: Ích Thận, trừ thấp, lương huyết, chỉ huyết. Trị thận viêm mạn.

Khí hư thêm Hoàng kỳ, Đảng sâm; Thận âm bất túc thêm Nữ trinh tử; Thận dương hư thêm Thỏ ty tử, Bổ cốt chỉ.

+ Ích Khí Tiết Độc Thang (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Hoàng kỳ (sống) 30g, Đảng sâm 15-30g, Bán biên liên, Bồ công anh, Thạch vi đều 30g, Hổ trượng 15-30g, Mẫu lệ (sống) 30g (nấu trước), Đan sâm 15-30g, Nhục quế 0,3g (tán nhuyễn, cho vào thuốc uống).

TD: Ích khí, trợ vận, tiết độc, lợi thấp. Trị Tỳ Thận đều suy, khí huyết bất túc, thấp độc uẩn kết bên trong gây nên thủy thủng.

+ Tiêu Thủy Thuyên Dũ Thang (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Thiên hùng (nướng), Mẫu quế, Ma hoàng, Tri mẫu đều 10g, Cam thảo (nướng) 5g, Sinh khương 19g, Đại táo 7 trái. Sắc Ma hoàng với 3 chén nước trước cho sôi, vớt bỏ bọt, cho thuốc vào sắc còn 8 phân. Chia làm 3 lần uống.

TD: Kiện Tỳ, ích Thận, lợi trọc, giáng trọc. Trị Thận viêm, đường tiểu viêm, thủy thủng.

(Ghi chú: Có thể dùng Phụ tử thay Thiên hùng).

Sau khi đã hết phù, tình trạng sức khỏe người bệnh tiến bộ, bệnh ổn định, để duy trì kết quả, nên tiếp tục cho uống thêm thuốc bổ Tỳ, bổ Thận, hợp với các loại thuốc lợi thấp như:

. Kiện Tỳ lợi thấp: Sâm Linh bạch Truật Tán.

. Ôn Thận lợi thấp: Tế Sinh Thận Khí Hoàn.

3- Âm Hư Hỏa Vượng (Thường gặp trong thể Viêm Cầu Thận mạn có huyết áp cao): Phù không nhiều hoặc đã hết phù, nhức đầu, chóng mặt, hồi hộp, khát, môi đỏ, họng khô, lưỡi đỏ, mạch Huyền Sác.

Điều trị: Bình Can, tư âm, lợi thủy.

+ Dùng bài Kỷ Cúc Địa Hoàng Thang gia giảm: Thục địa, Hoài sơn, Câu kỷ tử, Ngưu tất đều 12g, Sơn thù, Trạch tả, Đơn bì, Phục lính đều 8g, Cúc hoa 10g, Xa tiền tử 16g. Sắc uống (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

+ Tang ký sinh, Câu đằng, Xa tiền đều 16g, Cúc hoa, sa sâm, Ngưu tất, Đan sâm, Quy bản, Trạch tả đều 12g. Sắc uống (Y Học Cổ Truyền Dân Tộc).

4- Viêm Cầu Thận Mạn Tính Có Urê Máu Cao: Muốn nôn, nôn mửa, sắc mặt đen, tức ngực, bụng trướng, tiêu lỏng, tiểu ngắn, tiểu ít, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng dầy, mạch Huyền Tế, Nhu Tế.

Nguyên nhân: Do công năng của Tỳ và Thận dương suy yếu nên âm trọc nghịch lên gây ra chứng Urê huyết cao, gọi là dương hư, âm nghịch.

Điều trị: Ôn dương, giáng nghịch.

+ Dùng bài: Phụ tử (chế), Đại hoàng 12-16g,, Bạch truật, Phục linh, Bán hạ (chế) đều 12g, Đảng sâm 20g, Đơn bì, Sinh khương đều 8g, Hậu phác 6g. Sắc uống (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

Nếu nôn nhiều, dùng bài Bán Hạ Tả Tâm Thang (Bán hạ (chế) 12g, Can khương 4g, Đảng sâm 16g, Cam thảo 4g, Hoàng liên 3g, Đại táo 12g).

CHÀM

(Thấp Chẩn – Eczema)

Đại cương

Là một bệnh ngoài da, tương đối phổ biến, điều trị dai dẳng do viêm lớp nông ở da cấp hoặc mạn tính, tiến triển từng đợt, hay tái phát và đa dạng về triệu chứng.

Nguyên Nhân

a- Thể trạng: Có tính chất gia đình và di truyền, xuất hiện trên một cơ địa có rối loạn nội tiết, thần kinh, chuyển hóa.

b- Kháng nguyên: Có thể là hóa chất, thảo mộc, vi sinh vật, tác nhân vật lý, gây mẫn cảm một cách từ từ.

c- Theo Đông y: do phong, nhiệt và thấp kết hợp, uẩn tích trong da thịt, kết hợp với ngoại phong mà ra.

Triệu Chứng

a- Thương tổn căn bản là mụn nước xếp thành từng mảng trên một dát đỏ. Có giới hạn hoặc không giới hạn rõ rệt.

b- Ngứa: Nhiều, ít tùy nhưng lúc nào cũng ngứa.

Tiến triển qua ba giai đoạn:

+ Cấp tính: đỏ, phù, chảy nước.

+ Bán cấp: hết phù, bớt đỏ, còn chảy nước ít.

+ Mãn tính: Vẩy dầy, khô, da dầy lên, ngứa nhiều. Càng gặp nóng thì mụn càng nhiều thêm. Ngứa gãi phá thì chảy ra nước vàng.

Trên lâm sàng thường gặp các loại sau:

+ Thể Cấp tính: Lúc đầu thấy da hơi đỏ, ngứa, sau một thời gian ngắn nổi cục, mụn nước, loét, chảy nước, đóng vẩy, bong vẩy và khỏi.

Thường thấy dưới hai dạng:

a) Thấp Nhiệt: Da hồng đỏ, ngứa, nóng rát, có mụn nước, loét, chảy nước vàng.

Điều trị:

Thanh nhiệt, hóa thấp.

+ Thanh Nhiệt Hóa Thấp Thang Gia Giảm (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu): Hoàng cầm, Hoàng bá, Bạch tiên bì, Phục linh bì, Khổ sâm đều 12g, Kim ngân hoa, Hoạt thạch, Sinh địa đều 20g, Đam trúc diệp 16g. Sắc uống.

+ Vị Linh Thang Gia giảm (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu): Hậu phác, Phục linh, Trư linh, Bạch tiên bì đều 12g, Nhân trần 20g, Trạch tả 16g, Trần bì 8g. Sắc uống.

+ Tiêu Phong Đạo Xích Thang (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu): Sinh địa, Xa tiền tử đều 16g, Ngưu bàng tử, Hoàng liên, Mộc thông, Khổ sâm, Hoàng bá 12g, Bạch tiên bì, Phục linh đều 8g, Bạc hà 4g. Sắc uống.

+ Thanh Nhiệt Thấm Thấp Thang (Hứa Lý Hòa Ngoại Khoa Y Án Y Thoại Tập): Sinh địa (tươi) 60g, Đạm trúc diệp 12g, Sơn chi (sống), Liên kiều, Xích thược đều 9g, Đông qua bì 12g, Ngũ gia bì, Phục linh bì, Xuyên tiêu bì đều 12g, Lô căn (bỏ đốt) 30g, Đăng tâm 2 khúc, Cúc hoa 9g, Bản lam căn 15g. Sắc uống.

TD: Thanh nhiệt, thấm thấp.

+ Ngân Thanh Tam Y Thang (Giang Tây trung Y Dược 1983, 6): Ngân hoa, Liên kiều, Đại thanh diệp, Thuyền y, Lục đậu y, Thổ phục linh, Bạch tiên bì, Cam thảo. Sắc uống.

Đã trị 40 ca, khỏi hoàn toàn 32, có chuyển biến 6, không kết quả 2. Tổng kết đạt 95%.

Châm Cứu: Cách chung: trừ phong dùng Hợp cốc, trừ thấp: Túc tam lý, Hoạt huyết dùng Huyết hải.

Tùy vị trí chàm ở cơ thể mà chọn huyệt cho phù hợp:

+ Vùng tay: Khúc trì, Hợp cốc.

+ Vùng chân: Tam âm giao, Dương lăng tuyền (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

Dùng châm và cứu (nhất là cứu sáp) ở các điểm quanh vùng bị đau và ở các huyệt gần đó có thể mau khỏi.

b) Phong Nhiệt: Da hơi đỏ, có mụn nước,phát ra toàn thân, ngứa gãi chảy nước, ít loét.

Điều trị: Sơ phong, thanh nhiệt, trừ thấp.

+ Tiêu Phong Tán (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu): Kinh giới, Phòng phong, Ngưu bàng tử, Khổ sâm, Mộc thông đều 12g, Sinh địa 16g, Tri mẫu 8g, Thuyền thoái 6g, Thạch cao 20g. Sắc uống.

+ Long Đởm Tả Can Thang gia giảm (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu): Long đởm thảo, Hoàng cầm, Chi tử, Mộc thông, Xa tiền tử, Sài hồ đều 8g, Sinh địa, Trạch tả đều 12g, Thuyền thoái 6g, Cam thảo 4g. Sắc uống.

+ Tiêu Phong Đạo Xích Thang (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu): Sinh địa, Xa tiền tử đều 16g, Ngưu bàng tử, Hoàng liên, Mộc thông, Khổ sâm, Hoàng bá 12g, Bạch tiên bì, Phục linh đều 8g, Bạc hà 4g thêm Thạch cao 40g, Tri mẫu 16g. Sắc uống.

2- Thể Mạn Tính: Da dày, khô, thô nhám, ngứa, nổi cục, có mụn nước, thường gặp ở vùng đầu mặt, cổ chân, cổ tay, khủy tay, đầu gối.

Điều trị: Khu phong, dưỡng huyết, nhuận táo.

+ Tứ Vật Tiêu Phong Ẩm gia giảm (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu): Thục địa, Sinh địa, Kinh giới đều 16g, Đương quy, Bạch thược, Thương truật, Phòng phong, Địa phu tử đều 12g, Khổ sâm, Thuyền thoái, Bạch tiên bì, Bạch tật lê đều 8g. Sắc uống.

+ Nhị Diệu Thang gia giảm (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu): Hoàng bá, Hy thiêm thảo, Thương nhĩ tử, Bạch tiên bì, Phù bình đều 12g, Thương truật, Phòng phong đều 8g. Sắc uống.

+ Thanh Nhiệt Hóa Thấp Thang (Hứa Lý Hòa Ngoại Khoa Y Án Y Thoại Tập): Hoàng liên 2g, Hoàng cầm 6g, Chi tử (sao)9g, Bạch tiên bì 6g, Địa phu tử 9g, Sinh địa 12g, Phục linh bì 12g, Khổ sâm 4,5g, Liên kiều 9g. Sắc uống chung với Ngọc Tuyền Tán 15g.

Thuốc Nam

+ Lá Thồm lồm tươi 5kg, cho vào 10 lít nước, đun cạn còn 2 lít, lọc và cô thành cao hoặc lấy lá tươi giã nát, thêm nước lạnh đun sôi, để ấm, lọc qua gạc thành một dung dịch đặc. Ngày bôi 2-3 lần. Kết quả tương đối cao.

Chú ý: Tránh chà xát làm bật máu, tróc da thêm (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

+ Bèo cái, số lượng nhiều ít tùy vết thương to hoặc nhỏ, rửa sạch bằng nước 3-4 lần, thêm ít muối vào giã nát, đắp vết thương. Thường chỉ đắp 1-2 lần chỗ vết thương không chảy nước nữa và điều trị 7-10 ngày là khỏi hẳn (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

+ Lá Trầu không tươi 2-3 lá, cắt thật nhỏ, cho vào 1 ly nhỏ. Dội nước sôi vào cho ngập lá. Đợi chừng 10-15 phút cho chất thuốc trong lá Trầu thấm ra. Dùng nước này rửa vết thương. Ngày làm 2-3 lần. Kết quả tốt (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

+ Vỏ cây Dâm bụt 20g, cạo vỏ bên ngoài, thái nhỏ. Bồ kết 10 quả, bỏ hột. Gừng tươi 1 miếng chừng 6g, thái nhỏ. Cho vào 2 lít nước, sắc còn 200ml, lọc bỏ bã, rồi lại sắc cho cô đặc sệt lại, để nguội, cho vào chai để dùng dần (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

Biến Chứng

. Chàm nhiễm khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết, viêm thận cấp.

. Chàm ở trẻ nhỏ suy nhược dễ bị tai biến nhiễm khuẩn, cơn sốc trụy tim mạch.

CHÀM BÌU

Là một loại bệnh ngứa ở bìu dái, hăm.

Triệu Chứng: Mọc mụn rất nhỏ, rất ngứa, gãi thì trầy da, đau rát, chảy nhựa dính, tanh hôi, lâu ngày không khỏi thì da bìu dái dầy cứng và đau.

Nguyên nhân:

Thấp nhiệt làm tổn thương da gây nên.

Điều trị:

Tiêu độc, Lợi thấp.

+ Lá Lốt 10 phần, giã nát, trộn với 2 phần Diêm sinh cho đều, phơi khô, cuốn thành điếu thuốc. Đốt cháy, đặt dưới bìu dái mà xông. Ngày xông một lần.

Cẩn thận: Khi xông, nên dùng khăn hoặc vải che phía dưới bụng cho khói độc khỏi xông lên mặt (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

+ Hạt Máu chó, nhiều ít tuỳ dùng, rang dòn, tán bột, tán bột, hoà với dầu Mè, bôi. Ngày bôi 2 lần (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

CHÀM ỐNG TAI

Thường gặp nơi trẻ nhỏ.

Nguyên nhân:

+ Theo YHHĐ: Do nguyên nhân toàn thân, cơ địa ứng, tạng khớp. Hoặc nguyên nhân tại chỗ do kích thích mạn tính như chảy mủ tai kéo dài.

+ Theo YHCT:

Thiên ‘Chí Chân Yếu Đại Luận’ (Tố Vấn) ghi: Các chứng thấp đều thuộc về Tỳ”. Tỳ có chức năng kiện vận thủy cốc tinh vi và thủy dịch. nếu Tỳ Vị hư yếu, mất chức năng kiện vận, đờm thấp sẽ sinh ra ở bên trong, bên ngoài phong tà xâm nhập vào, phong hợp với thấp đưa lên tai, đờm thấp đình trệ ở tai, làm cho tai sưng, chảy nước.

Triệu chứng: Lúc đầu thấy nóng bỏng ở tai, rồi có những mụn nước, da ống tai sưng lên, ống tai hẹp lai và có nhiều vết xuất tiết lẫn vẩy da. Lau sạch ống tai sẽ thấy màng nhĩ đỏ chứng tỏ rằng màng nhĩ bị viêm do tổn thương từ ống tai lan đến mà không phải là viêm tai giữa.

Điều trị:

Khứ đờm, tán kết, sơ phong, thông lạc.

Dùng bài Nhị Trần Thang (36) gia giảm

(Trần bì lý khí, táo thấp, thuận khí, tiêu đờm; Bán hạ hóa đờm, táo thấp; Phục linh kiện Tỳ, táo thấp; Cam thảo điều hòa các vị thuốc. Thêm Trúc nhự, Chỉ thực Đởm tinh để tăng cường tác dụng khứ đờm; Thêm Cương tằm, Địa long, Sài hồ, Ty qua lạc để sơ phong, thông lạc; Thêm Đương quy, Đan sâm, Uất kim để hoạt huyết (Trung Y Cương Mục).

Hợp với Ngũ Vị Tiêu Độc Ẩm (29).

+ Trần bì 10g, Bán hạ 10g, Phục linh 15g, Cam thảo 10g, Cương tằm 10g, Đan sâm 15g, Trạch tả 15g, Miêu trảo thảo 10g, Bồ công anh 10g, Ý dĩ nhân 12g, Sài hồ 10g, Hạ khô thảo 10g. Sắc uống (Trung Y Cương Mục).

CHÀM VÀNH TAI

Thường gặp nơi trẻ nhỏ. Chàm vành tai bao giờ cũng lan vào ống tai và có thể lan rộng xuống má và cả cổ. Nếu điều trị đúng, bệnh có thể khỏi nhanh và hết hẳn. Tuy nhiên, nếu cứ để như vậy hoặc không điều trị đúng mức, bệnh sẽ kéo dài và dễ gây biến chứng.

Nguyên nhân:

+ Theo YHHĐ: Do nguyên nhân toàn thân, cơ địa ứng, tạng khớp. Hoặc nguyên nhân tại chỗ do kích thích mạn tính như chảy mủ tai kéo dài.

+ Theo YHCT:

Thiên ‘Chí Chân Yếu Đại Luận’ (Tố Vấn 74) ghi: Các chứng thấp đều thuộc về Tỳ”. Tỳ có chức năng kiện vận thủy cốc tinh vi và thủy dịch. Nếu Tỳ Vị hư yếu, mất chức năng kiện vận, đờm thấp sẽ sinh ra ở bên trong, bên ngoài phong tà xâm nhập vào, phong hợp với thấp đưa lên tai, đờm thấp đình trệ ở tai, làm cho tai sưng, chảy nước.

Triệu chứng: Chứng là ngứa khó chịu, đau không rõ. Gờ luân tai hoặc dái tai sưng đỏ sau đó xuất hiện những mụn nước rồi chảy nước vàng, nước đục, hình thành vẩy vàng, khi mất đi, để lại những khe nứt ở rãnh luân tai, nếp sau tai hoặc ở dái tai.

Điều trị:

Khứ đờm, tán kết, sơ phong, thông lạc.

Dùng bài Nhị Trần Thang (36) gia giảm

(Trần bì lý khí, táo thấp, thuận khí, tiêu đờm; Bán hạ hóa đờm, táo thấp; Phục linh kiện Tỳ, táo thấp; Cam thảo điều hòa các vị thuốc. Thêm Trúc nhự, Chỉ thực Đởm tinh để tăng cường tác dụng khứ đờm; Thêm Cương tằm, Địa long, Sài hồ, Ty qua lạc để sơ phong, thông lạc; Thêm Đương quy, Đan sâm, Uất kim để hoạt huyết (Trung Y Cương Mục).

Hợp với Ngũ Vị Tiêu Độc Ẩm.(29).

Ngoại Khoa:

+ Dùng Ngải cứu cuốn thành điếu, cứu để ôn kinh, khứ thấp, thông lạc (Trung Y Cương Mục).

CHẮP LẸO

Đại cương

Lẹo là một áp xe của tuyến Zeiss ở ngay chân lông mi, viêm mủ tuyến bã ở bờ mi hoặc trong chiều dầy của mi phát bệnh cấp, thích tái phát.

Chắp là tuyến sụn mi bị viêm nhiễm.

YHCT: Gọi là Thâu Châm, Du Thâu Châm, Thổ Âm, Thổ Dương, Nhãn Đơn, Châm Nhãn, Mạch Lạp Thủng.

Lẹo tương đối dễ khỏi hơn Chắp.

Triệu chứng

+ Lẹo: Mi mắt mọc lên những mụt dính vào mi mắt trên hoặc dưới, sưng nóng đỏ, đau, tiến triển nhanh, có khi sưng ít, có khi sưng nhiều, to cả mắt và ứ phù màng tiết hợp, nhẹ từ 3 – 5 ngày sau lẹo làm mủ rồi vỡ, dập mủ thì có thể khỏi. Thường hay tái phát hết mi này sang mi khác. Đây là trường hợp viêm cấp.

+ Chắp: Như mụn bọc, cứng, nhỏ, u tròn, nằm sâu trong sụn mi, không sưng đỏ, ít đau khi sờ nắn, khi lật mi ra thấy màu tím đỏ hoặc trắng (màu mủ) nằm ở trong ăn lấn vào sụn mi và lan rộng. Đây là trường hợp viêm bán cấp.

Nguyên nhân

- Theo YHHĐ:

+ Lẹo: Viêm, áp xe mủõ tuyến Zeiss.

+ Chắp: Tắc hạch Mêbomius.

-Theo YHCT: Do nhiệt độc lẫn thức ăn cay nóng quá ở Tỳ Vị bốc lên gây bệnh, vì theo nhãn chẩn mi mắt thuộc về Tỳ.

Điều trị:

Thanh nhiệt, tiêu độc.

Tra Cứu Các Bài Thuốc

 

Huyền Địa Hoàng Cúc Thang (39), Long Đởm Cầm Liên Thang (51), Mạch Thoái Tán 56), Thanh Giải Tán (104), Tiêu Thủng Tán Kết Thang (124), Tiêu Thủng Thang (125).

Thuốc nhỏ mắt: Long Não Hoàng Liên Cao (54).

39- HUYỀN ĐỊA HOÀNG CÚC THANG (Hồ Nam Trung Y Tạp Chí (1) 1987): Huyền sâm, Sinh địa đều 20g, Cúc hoa, Hoàng cầm, Thiên hoa phấn, Ngưu tất đều 12g, Chỉ xác, Đơn bì, Đại hoàng đều 9g, Cam thảo 6g, Tần bì 30g, Thuyền thoái 5g. Trừ Đại hoàng, các vị thuốc đem ngâm nước 15 phút, sau đó đun cho sôi rồi mới cho Đại hoàng vào. Mỗi ngày uống một thang, chia làm 3 lần uống trong ngày.

TD: Tư âm, tả hỏa, thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, khứ phong, lý khí, tiêu thủng. Trị chắp, lẹo mắt.

51- LONG ĐỞM CẦM LIÊN THANG (Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn): Long đởm thảo, Hoàng cầm, đều 6g Hoàng liên 3g, Chỉ xác 3 – 4g, Cam thảo (sống) 3g. Sắc uống còn bã, để cho nguội, đắp vào mắt.

TD: Thanh nhiệt, giải độc. Trị lẹo mắt.

(Trị 272 ca, khỏi 170. Có 11 ca tái phát, còn lại hoàn toàn khỏi. Đạt 93,53%).

56- MẠCH THOÁI TÁN (Nhãn Khoa Lâm Chứng Lục): Long đởm thảo, Đại hoàng (sống), Hoàng bá, Kim ngân hoa, Cam thảo, Hoàng cầm, Tri mẫu. Lượng bằng nhau. Tán nhuyễn. Thêm Địa du phấn 20%, trộn đều. Lấy nước lạnh trộn bột thuốc, đắp vào chỗ lẹo, khoảng 7 – 8 giờ thay một lần thuốc.

TD: Tiêu nhiệt, tả hỏa, tiêu thủng, chỉ thống. Trị lẹo mắt vỡ mủ.

104- THANH GIẢI TÁN (Thiên Gia Diệu Phương, Q. Hạ): Toàn yết 4g, Đại hoàng 2g, Song hoa 12g, Cam thảo 1,2g. Tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1g.

TD: Thanh nhiệt, giải độc. Trị mắt lẹo.

124- TIÊU THỦNG TÁN KẾT THANG (Quảng Tây Trung Y Dược (4), 1986): Hạ khô thảo, Phục linh đều 15g, Bán hạ, Khô hồng, Hải tảo đều 12g, Hương phụ, Triết bối mẫu đều 10g. Sắc uống.

TD: Hóa đờm, tán kết, thanh nhiệt, tiêu thủng. Trị lẹo mắt.

(Trị 15 ca, khỏi 9, đỡ 4, không khỏi 2. Đạt kết quả 86,7%).

125- TIÊU THỦNG THANG (Nhãn Khoa Thực Nghiệm): Kim ngân hoa, Bồ công anh đều 15g, Thiên hoa phấn, Hoàng cầm, Xích thược, Kinh giới, Phòng phong đều 9g, Cam thảo 3g. Sắc uống.

TD: Thanh nhiệt, giải độc, tán phong, hành huyết. Trị chắp, lẹo mắt.

Thuốc nhỏ mắt:

54- LONG NÃO HOÀNG LIÊN CAO (Chứng Trị Chuẩn Thằng): Hoàng liên 320g, Long não 4g. thái nhỏ Hoàng liên ra, cho 600ml nước vào trong bình sành, bỏ Hoàng liên vào rồi đun nhỏ lửa, còn lại 300ml. Lọc bỏ bã, chưng cách t cho thành cao chừng 100ml. Khi dùng, hòa 4g Long não vào, nhỏ vào mắt.

CHẢY NƯỚC MẮT

Đại cương

Chảy nước mắt trong trường hợp này là mỗi khi gặp gió thì nước mắt chảy ra, vì vậy cho nên có tên là Mục Phong Lệ Xuất, Nghênh Phong Xuất Lệ. Nặng hơn thì lúc nào nước mắt cũng chảy ra.

Cách chung có thể chia làm hai loại: Loại Hàn và Nhiệt.

Loại Hàn gồm chứng ra gió thì chảy nước mắt và bệnh tại tuyến lệ hoặc do tuyến lệ bị tắc gây nên bệnh, tương đương thể Tắc Lệ Đạo của YHHĐ.

Loại Nhiệt: thuộc loại Bạo Phong Khách Nhiệt, Thiên Hành Xích Nhãn (Viêm Kết mạc), Tụ Tinh Chướng (Loét Giác mạc).

Nguyên nhân

. Do Phong. Sách ‘Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận’ ghi: “Do phong tà làm tổn thương Can, Can khí bất túc thì nước mắt chảy ra”.

. Do Can Thận âm hư, tinh huyết suy hao gây nên.

Đa số do Can Thận đều suy, tinh huyết suy hao Can không ước thúc được dịch và phong tà bên ngoài khiến cho nước mắt chảy ra.

Do Phong: Theo YHCT, dựa vào hàn nhiệt, có thể phân làm hai loại:

a- Nghênh Phong Lãnh Lệ: Cứ gặp gió lạnh (nghênh phong) thì nước mắt cứ chảy ra, nhiều ít tùy cơ thể.

b- Nghênh Phong Nhiệt Lệ: Sách ‘Nhãn Khoa Tinh Luận, Q. Thượng’ viết: “Dù gặp gió hoặc không gặp gió vẫn chảy nước mắt nhiều, do Can, Đởm, Thận thủy, tân dịch bất túc, chỗ khiếu của mắt bị hư không giữ lại được nên phong tà làm cho vước mắt chảy ra vậy”.

Do Can Thận Đều Hư: Mắt không đỏ, không sưng, nước mắt chảy ra nhiều, mắt mờ hoặc ngứa, gặp gió thì chảy nhiều hơn, kèm đầu đau, tai ù, lưng đau, chân mỏi, mạch Tế Nhược.

Điều trị:

Bổ ích Can Thận. Dùng bài Cúc Tinh Hoàn (21) Gia Giảm.

(Ba kích, Câu kỷ, Nhục thung dung bổ Can Thận, chỉ lãnh lệ; Ngũ vị tử vị chua để thu liễm, chỉ lệ; Cúc hoa dưỡng Can, làm sáng mắt, sơ phong, chỉ lệ).

Nếu do hàn nhiều: thêm Xuyên khung để ôn Can, chỉ lệ.

Mắt ngứa: thêm Thích tật lê, Phòng phong để sơ phong, chỉ dưỡng, hỗ trợ tác dụng chỉ lệ.

Phần Biểu hư yếu: thêm Hoàng kỳ, Bạch truật, Phòng phong để ích khí, cố biểu.

Long Đởm Mông Hoa Thang (52), Minh Mục Lưu Khí Thang II (59), Minh Mục Tế Tân Thang (60), Ninh Huyết Thang (73), Sinh Bồ Hoàng Thang (84) gia giảm, Tam Nhân Thang gia giảm (94), Thanh Nhiệt Tuyên Phế Thang (108), Thông Khiếu Thang (115), Tư Âm Chỉ Lệ Thang (136).

CHẢY NƯỚC MẮT DO CAN THẬN HƯ HÀN

(Trích trong ‘ Cuộc Đời Và Kinh Nghiệm Của Người Thợ Già Trị Bệnh’ của Lê Đức Thiếp Việt Nam).

Ông Vũ Bá H, 50 tuổi, hai tròng trắng tinh, không đỏ, không sưng nhức gì cả, cứ chảy nước mắt sống (mắt, không nóng), ròng ròng cả ngày, mỗi ngày phải dùng 5 -7 khăn nhỏ để thấm ướt đẫm, nhiều khi nước mắt còn chảy xuống giấy tờ trên bàn làm việc, bệnh đã ba tháng. Mạch hai bộ xích Trầm và không lực, mạch tả quan Huyền và Trì. Đã được khám theo YHHĐ và được kết luận phải mổ, nhưng mổ vẫn chưa chắc đã khỏi hẳn. Vì sợ mổ nên tìm thuốc YHCT uống.

Dựa vào mạch, tôi chẩn đoán là Can Thận hư hàn, cho dùng bài Lý Âm Tiễn (Xuyên quy 20g, Thục địa 40g, Hắc khương 8g, Cam thảo 4g, Phụ tử 8g), thêm Ngũ vị tử 12 hạt (1g), Ngưu tất 4g, Xa tiền tử 6g). Uống 3 thang, bệnh bớt 7/10, uống thêm 3 thang nữa, khỏi hẳn.

Tra Cứu Bài Thuốc

21- CÚC TINH HOÀN Gia Giảm (Thẩm Thị Dao Hàm): Cúc hoa, Ba kích, Nhục thung dung,Câu kỷ tử, Ngũ vị tử. Lượng bằng nhau. Tán bột, trộn với mật làm thành viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 viên.

TD: Trị túi lệ viêm tắc, chảy nước mắt sống.

52- LONG ĐỞM MÔNG HOA THANG (Thiên Gia Diệu Phương, Q. Hạ): Long đởm thảo, Mật mông hoa, Đương quy đều 6 – 15g, Hoàng liên 3 – 12g, Thảo quyết minh 9 – 12g, Câu kỷ tử 9 – 15g, Cúc hoa 9 – 18g. Sắc uống.
TD: Thanh Can, tả hỏa. Trị túi lệ viêm mạn.

59- MINH MỤC LƯU KHÍ THANG II (Tạp Bệnh Nguyên Lưu Tê Chúc): Cam thảo, Chi tử, Cúc hoa, Đại hoàng, Hoàng cầm, Huyền sâm, Kinh giới, Mộc tặc, Ngưu bàng tử, Tật lê, Tế tân, Thảo quyết minh, Thương truật, Xuyên khung. Lượng bằng nhau. Sắc uống.

TD: Lợi khí, làm sáng mắt. Trị mắt mờ, nhìn không rõ, chảy nước mắt sống, mắt nhức không mở ra được.

60- MINH MỤC TẾ TÂN THANG (Thẩm Thị Dao Hàm, Q. 5): Cảo bản 2g, Đào nhân 11 hạt, Hoa tiêu 10 hạt, Hồng hoa 0,8g, Khương hoạt 2,4g, Kinh giới 2,4g, Ma hoàng 3,2g, Mạn kinh tử 2,4g, Phòng phong 2,4g, Phục linh 2g, Quy thân 2g, Sinh địa 2,4g, Tế tân 0,8g, Xuyên khung 1,6g. Sắc uống.

TD: Trị mắt sưng đau, chảy nước mắt, sợ nhiệt.

73- NINH HUYẾT THANG (Ngũ Quan Khoa Học): Hạn liên thảo, Sinh địa, A giao, Bạch thược, Chi tử (tro), Trắc bá diệp, Bạch mao căn; Tiên hạc thảo, Bạch cập, Bạch liễm. Sắc uống

TD: Trị thủy tinh dịch có vật chơi vơi, túi lệ viêm tắc.

84- SINH BỒ HOÀNG THANG gia giảm (Trung Y Nhãn Khoa Lục Kinh Trị Yếu): Sinh bồ hoàng, Hạn liên thảo, Đan sâm, Đơn bì, Kinh giới (đốt thành tro), Uất kim, Sinh địa, Xuyên khung. Sắc uống.
TD: Thủy tinh dịch có vật chơi vơi, túi lệ tắc (viêm lệ đạo).
94- TAM NHÂN THANG GIA GIẢM (Ôn Bệnh Điều Biện): Ý dĩ nhân, Hạnh nhân, Hoạt thạch, Khấu nhân, Thông thảo, Hậu phác, Bán hạ (chế), Trúc diệp. Sắc uống.
TD: Trị thủy tinh dịch có vật chơi vơi, túi lệ viêm tắc.

108- THANH NHIỆT TUYÊN PHẾ THANG (Tứ Xuyên Trung Y Dược (11) 1990): Ma hoàng (nướng), Hạnh nhân, Cát cánh, Cúc hoa, Mật mông hoa đều 3g, Thạch cao (sống) 9g, Tạo giác thích, Bạch chỉ đều 6g, Mộc tặc 4g, Chích thảo 2g. Sắc uống.

TD: Thanh nhiệt, tuyên Phế, bài nùng, giải độc. Trị túi lệ viêm, lệ đạo tắc.

115- THÔNG KHIẾU THANG (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Ngân hoa, Liên kiều, Bồ công anh, Sinh địa, Thiên hoa phấn đều 20g, Hoàng cầm, Bạch chỉ đều 12g, Cát cánh, Phòng phong đều 10g, Đan sâm 15g, Cam thảo 6g, Thông thảo, Nga bất thực thảo đều 3g. Sắc uống.
TD: Thanh nhiệt, hoạt huyết, khứ phong, thông khiếu. Trị túi lệ viêm mạn tính.

136- TƯ ÂM CHỈ LỆ THANG (Trung Y Nhãn Khoa Lâm Sàng Thực Tiễn): Thục địa 15g, Sơn dược, Câu kỷ tử, Nữ trinh tử đều 12g, Địa cốt bì, Ích trí nhân, Cúc hoa, Tang diệp 9g, Hoàng cầm 6g, Ngũ vị tử 3g. Sắc uống.
TD: Tư âm, ích Thận, nạp khí, dưỡng Can. Trị chảy nước mắt khi ra gió.

CHIẾN CHẤN

Còn gọi là Chiến Chấn, Chấn Điệu.

Chỉ tình trạng đầu hoặc tay lắc, rung. Nhẹ thì đầu hoặc tay hơi rung, còn có thể tự lo liệu được các công việc sinh hoạt thường ngày. Bệnh nặng, đầu và tay rung mạnh, hai tay rung liên tục hoặc kèm cứng cổ, tay chân bị co rút. Bệnh phát triển chậm nhưng dần dần nặng hơn.

Thường gặp nơi người lớn tuổi, nam nhiều hơn nữ.

Sách Nội Kinh không có tên bệnh Chiến Lật nhưng có mô tả loại gần giống. Thiên ‘Chí Chân Yếu Đại Luận’ (Tố Vấn) viết: “Chư phong trạo huyễn giai thuộc ư Can”, chứng ‘Trạo’ ở đây có ý nghĩa gần giống với chứng run trên. Thiên ‘Mạch Yếu Tinh Vi Luận’ (Tố Vấn) viết: “Cốt là phủ của tuỷ, nếu không bình thường sẽ gây nên chứng Chấn Điệu”. Thiên ‘Ngũ Thường Chính Đại Luận’ có nhắc đến kỳ bệnh (bệnh lạ) là chứng ‘Dao động’ (lắc qua lại), chứng ‘Điệu Huyễn Điên Bệnh’ và ‘Điệu Chấn Cổ Lật’. Các thầy thuốc sau này mới đề cập đến rõ hơn. Sách ‘Chứng Trị Chuẩn Thằng – Tạp Bệnh’ viết: “Chứng chiến (run) là dao (lắc), chấn là động. Gân mạch co lại mà không cầm nắm được, đó là tượng của phong… Cũng có thể thấy đầu lắc mà tay chân không run… tay chân động mà đầu không động. Đó là mộc khí thái quá mà kèm hoả hoá ra”. Sách ‘Y Học Cương Mục – Chiến Chấn’ viết: “Chiến là lắc, chấn là động. Phong hoả tương thừa, là tượng của động và lắc… Sách ‘Nội Kinh’ viết “Chư phong trạo huyễn, giai thuộc ư Can”, Trạo là chỉ chiến chấn vậy”.

Nguyên Nhân

+ Phong Dương Nội Động: Thường do Thận suy lâu ngày, phòng dục quá sức, uống rượu nhiều hoặc ngộ độc thuốc khiến cho Thận khí bị bất túc, thận tinh suy hao, tinh khí suy giảm, hư dương nội động, não tuỷ không được nuôi dưỡng, thần cơ không đều, huyết mạch không thông, tâm thần bị xáo trộn gây nên. Cũng có thể do thận thuỷ bất túc thì can mộc không được nuôi dưỡng, hoặc do tức giận làm cho Can bị tổn thương, khí không thông, dương khí uất ở bên trong hoá thành nhiệt, sinh ra phong gây nên bệnh.

+ Tuỷ Hải Bất Túc: Bệnh lâu ngày làm cho thận suy, tinh thiếu hoặc do thất tình gây xáo trộn. Khi ưu tư quá thì làm tổn thương thần. Tinh sinh khí, khí sinh thần, thần bị tổn thương thì tinh bị tổn, khí bị hao, não tuỷ bất túc, thần không được nuôi dưỡng, gân mạch, cơ thể bị xáo trộn gây nên bệnh.

+ Khí Huyết Đều Hư: Tỳ là nguồn của khí, nếu Tỳ bị tổn thương thì trung khí sẽ bất túc, trung tiêu mất chức năng vận hoá, không sinh ra được tinh huyết, cho nên khí bị hư, huyết bị thiếu. Âm suy thì dương mạnh lên, dồn vào Can, Can dương tích độc hoặc tâm khí suy thiếu, tâm hoả không thông, âm khí bốc lên thần cơ bị tổn thương, gân mạch, cơ thể bị rối loạn gây nên bệnh.

+ Đờm Nhiệt Động Phong: Đa số do Phế, Tỳ và Thận hư yếu. Phế hư thì thuỷ dịch không thông điều được, đờm ẩm sẽ sinh ra bên trong. Tỳ hư thì trung châu không kiện vận được, tân dịch bị đình kết lại thành đờm, ẩm, thấp. Thận khí bất túc không ức chế được thuỷ, đờm thấp sẽ theo đó mà sinh ra. Đờm tích lâu ngày hoá thành nhiệt, nhiệt cực sinh phong, đờm nhiệt làm cho phong động khiến cho khí mất quân bình, công lên não gây nên bệnh.

Tóm lại bệnh có liên hệ đến não và các tạng Can, Tỳ, Thận. Do Thận hư, tinh suy, gân mạch không được nuôi dưỡng; Tỳ hư, chức năng sinh hoá bị giảm, não tuỷ không được phấn chấn. Hoặc do đờm nhiệt động phong khiến cho tâm thần rối loạn, gân mạch bị rỗng… gây nên bệnh.

Triệu Chứng

+ Phong Dương Nội Động: Chóng mặt, đầu căng, mặt đỏ, miệng lưỡi khô, dễ tức giận, lưng đau, chân yếu, đầu lắc, tay run, không thể tự làm được việc gì, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhạt, mạch Huyền Sác.

Điều trị: Tư âm, tiềm dương. Dùng bài Tư Sinh Thanh Dương Thang.

(Sinh địa, Thạch quyết minh (sống), tư âm, tiềm trấn, liễm dương làm quân; Từ thạch dẫn Phế khí xuống Thận để bổ Thận, ích tinh, liễm dương, trừ phiền, trấn nghịch; Thạch hộc, Mạch môn dục âm, sinh tân; Đơn bì thanh hư hoả, đều là thần; Bạch thược bổ Tỳ âm, tả Can hoả, hoà huyết mạch, trợ âm khí, liễm nghịch khí; Cam cúc bình Can, làm nhẹ đầu, sáng mắt, hạ hư phong; Bạc hà sơ phong giải uất, thanh hoả, minh mục; Sài hồ sơ Can, thăng thanh, tán kết, hoà lý, thoái nhiệt, điều sướng khí, làm cho khí hoá có nơi ở, âm tinh được hỗ trợ, phong dương tự yên, làm tá; Thiên ma và Tang diệp vào kinh Can, thông huyết mạch, khứ phong đờm, tư táo, lương huyết, làm cho khí huyết bình hoà, làm tá).

+ Tuỷ Hải Bất Túc: Đầu váng, hoa mắt, tai ù, hay quên, đầu lắc, tay run, đi tiểu khó, nằm xuống là ngã lăn ra, nặng hơn thì dại khờ, khóc cười thất thường, nói năng lộn xộn, lưỡi đỏ nhạt kèm nhờn nhiều, rêu lưỡi trắng nhạt, mạch thường Trầm Huyền không lực hoặc Huyền Tế mà Sác.

Điều trị: Chấn tinh, ích tuỷ. Dùng bài Quy Bản Nhị Tiên Cao.

(Lộc giác thông mạch Đốc; Quy bản thông mạch Nhâm, một vị thông dương, một vị thông âm, đều là loại thuốc huyết nhục có tinh, làm cho âm dương điều hoà, bổ cho chân khí; Nhân sâm đại bổ trung khí, trợ cho nguồn khí hoá, làm cho điều hoà khí huyết; Câu kỷ tử tư bổ Can Thận).

Có thể dùng bài Ích Tuỷ Cường Thân Hoàn (Trung Y Thượng Hải): Lộc giác giao, Ô mai, Quy bản giao, Yến thái, Tây hồng hoa, Thạch xương bồ, Ngũ vị tử đều 50g, Xạ hương 4g, Đại mạo, Câu kỷ tử, Hà thủ ô, Hoàng tinh, Hy thiêm thảo, Hoè mễ (sống) đều 100g, Sơn thù nhục, Thục địa đều 75g, Đào nhân 25g. Tán nhuyễn, trộn với mật làm thành viên 10g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 hoàn, uống với nước muối pha loãng.

+ Khí Huyết Hư Suy: Chóng mặt, hồi hộp, phiền muộn, hễ cử động thì mệt, ngại nói, đầu lắc, tay run, uể oải, sợ lạnh, tay chân lạnh, ra mồ hôi, tiêu tiểu thất thường, gốc lưỡi to, mầu hồng nhạt, rêu lưỡi trắng, nhờn, mạch Trầm Nhu không lực hoặc Trầm Tế.

Điều trị: Bổ trung ích khí. Dùng bài Bổ Trung Ích Khí Thang hoặc Tứ Quân Tử Thang uống chung với Thiên Vương Bổ Tâm Đơn.

(Bổ Trung Ích Khí Thang điều bổ Tỳ Vị, ích khí, thăng thanh. Tứ Quân Tử Thang kiện Tỳ, ích khí. Thiên Vương Bổ Tâm Đơn tư âm, dưỡng huyết, ninh tâm, an thần).

Có thể dùng bài Tâm Tỳ Lưỡng Bổ Hoàn (Nhân sâm, Huyền sâm, Ngũ vị tử, Viễn chí nhục, Mạch môn, Thần khúc, Toan táo nhân, Bá tử nhân, Bối mẫu, Cam thảo, Đan sâm, Cát cánh, Sinh địa, Hoàng liên, Hương phụ, Chu sa. Tán nhuyễn, lấy Long nhãn nhục chưng nhừ thành cao, trộn với thuốc bột làm thành hoàn 10g, ngày uống 3 hoàn.

+ Đờm Nhiệt Động Phong: đầu váng, hoa mắt, đầu lắc, tay run, tay mất cảm giác, không cầm được vật gì, có khi không còn cảm giác đau, ngứa gì nữa, ngực đầy, khó chịu, nôn mửa đờm dãi, ho suyễn, đờm dính như sợi, khạc nhổ liên tục, lưỡi sưng to, có ngấn, mầu đỏ sẫm, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch Trầm Hoạt hoặc Trầm Nhu.

Điều trị: Cổn đờm, tức phong. Dùng bài Đạo Đờm Thang.

(Bán hạ táo thấp, giáng nghịch; Phục linh kiện Tỳ, thấm thấp, thấp hết thì đờm không sinh ra nữa; Trần bì lợi khí; Cam thảo ích Tỳ, Tỳ năng thắng thấp, lợi khí thì đờm không ứ lại được, đó là ý của bài Nhị Trần Thang. Thêm Nam tinh để trị phong đờm; Tăng Chỉ xác để lý khí, thuận giáng, khoan trung; Thêm Tạo giác để tuyên ủng, đạo trệ, thông khiếu, lợi khí, khai Vị; Bằng sa trừ nhiệt đờm, tán kết).

Hoặc dùng bài Hoá Đờm Thấu Não Hoàn (Trung Y Thượng Hải): Nam tinh (chế) 25g, Thiên trúc hoàng, Viễn chí nhục, Thạch hoa thái đều 100g, Tạo giác (nướng), Uất kim, Bán hạ, Xà đởm trần bì, Trầm hương, Hải đởm đều 50g. Tán nhuyễn, trộn với mật làm thành hoàn 10g. Ngày uống 3 hoàn.

Tóm lại: Do nội thương, bệnh mạn tính làm tổn thương não tuỷ, Thận, Tỳ, Can bị bệnh gây nên đầu lắc, tay run. Người lớn tuổi thường khó trị. Điều trị, chủ yếu là chấn tinh, bổ tuỷ, ích khí, hoá đờm là chính. Nếu phong dương nội động, dùng phép tư âm, tiềm dương. Do tuỷ hải bất túc, nên chấn tinh, ích tuỷ. Khí huyết suy hư, nên bổ trung, ích khí. Đờm nhiệt phong động nên khoát đờm, tức phong

 


Tổng lượt xem: 304911
Lượt xem trong tháng: 4025
Lượt xem trong ngày: 128
Đang xem: 2

 

 
Dan Phuong传统东方医学产品 
网站内容仅供参考
未经医生同意,患者不得擅自使用该信息进行治疗
版权所有 © 2014 属于 Dan Phuong传统东方医学
地址: