PHẦN 6

BỂ THẬN VIÊM

Đại Cương

Là một loại bệnh nhiễm khuẩn vào tổ chức kẽ của Bể Thận, vì vậy còn gọi là Thận Kẽ Viêm.

Đông y gọi là Thận Vu Thận Viêm.

Bệnh học cổ chia làm hai loại: Bể Thận viêm cấp và Bể Thận – Thận viêm cấp. Tuy nhiên Bể Thận viêm chỉ là giai đoạn đầu ngắn ngủi của bệnh này, khó phân biệt được vì ít có trường hợp bể Thận viêm đơn thuần mà không có Thận viêm, do đó, hiện nay người ta cho rằng bể Thận – Thận viêm là một, gồm các triệu chứng:

+ Dấu hiệu nhiễm khuẩn khu trú vào vùng Thận:

. Sốt, có khi cao 39-400, có khi cơn rét run.

. Đau vùng Thận một bên (1/3 trường hợp) hoăïc cả hai bên (2/3 trường hợp).

+ Tiểu gắt, tiểu đục: gặp trong 50% tường hợp. Tiểu gắt là kết quả của phản ứng của bàng quang, do bàng quang bị viêm.

+ Nước tiểu đục. Trường hợp nặng nước tiểu đục như nước thịt luộc. Tiểu đục rất thất thường, có khi chỉ xuất hiện một vài lần hoặc một buổi sáng, sau đó nước tiểu lại trong.

+ Tiểu ra Protein: khoảng 80-90% trường hợp bể thận – thận viêm có tiểu ra protein nhẹ, từ 40-50mg% đến 150-300mg%, ít khi quá 300mg% (3g/lít).

+ Tiểu ra bạch cầu: Là dấu hiệu thường gặp nhất trong trường hợp cấp tính. Thường là 5-7 triệu đến 10 triệu bạch cầu trong 24 giờ. Bệnh nặng có thể thấy những tế bào mủ.

+ Tiểu ra hồng cầu: Thường gặp do sỏi thận nhiều hơn.

Tiến Triển

Bệnh biến chuyển theo hai hướng:

+ Nếu không có tổn thương tại chỗ do sỏi, do tắc, bệnh thường khỏi sau 2-4 tuần.

+ Nếu ứ tắc, bệnh thường dẫn đến mạn tính, tiến triển lúc thì âm thầm, có khi bột phát kéo dài hàng chục năm hoặc 20-30 năm.

Biến Chứng

. Một số ít trường hợp nặng có thể gây viêm mủ thận, viêm tấy quanh thận hoặc áp xe thận.

. Biến chứng lâu dài gây nên xơ, teo thận.

BỂ THẬN VIÊM CẤP

Đại cương

Là một bệnh nhiễm khuẩn vào tổ chức kẽ của Thận, vì vậy, còn gọi là Viêm Thận Kẽ.

Đông y xếp vào loại ‘Nhiệt Lâm’, ‘Yêu Thống’.

SaÙch ‘Kim Quỹ Yếu Lược’ viết: ‘Lâm bệnh, tiểu ra như nước vo gạo, bụng dưới đau cứng, lan đến giữa rốn’.

Trên lâm sàng cho thấy đa số thuộc thực chứng, nhiệt chứng.

Nguyên Nhân

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào Thận theo hai đường chính:

a- Đường máu: Do các ổ nhiễm khuẩn địa phương như Amidal viêm, xoang viêm,bệnh ở răng miệng, ruột dư, túi mật, bệnh đường ruột... từ đó chuyển vào thận.

b- Đường ngược chiều: Từ một viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu dưới lan lên: tử cung viêm, âm đạo viêm, bàng quang, tiền liệt tuyến...

c- Đường hạch bạch huyết ít gặp xẩy ra.

Bệnh thường xẩy ra trên cơ sở đã có một tổn thương địa phương ở bể thận như sự ứ nghẽn nước tiểu gây tắc, giãn đài thận, bể thận... phụ nữ có thai, tử cung đè vào niệu quản hai bên, sỏi bể thận, đài thận, niệu quản...

Vi Khuẩn: Đứng hàng đầu là E. Coli 40-70%, Tụ cầu khuẩn, Liên cầu khuẩn...

Thường có liên hệ với Thận và Bàng quang. Thận hư, Bàng quang có thấp nhiệt là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh.

Đa số do ăn các thức ăn cay, nóng, nhiều chất béo hoặc uống rượu nhiều quá, sinh ra nhiệt, dồn xuống hạ tiêu gây nên bệnh. Hoặc do bộ phận sinh dục bị rối loạn, uế trọc xâm nhập vào bàng quang, gây nên thấp nhiệt, thấp nhiệt làm cho khí hóa bị ngăn trở, đường tiểu không thông lợi khiến cho tiểu buốt, tiểu nhiều, đau, tiểu ra máu.

Triệu Chứng

a- Dấu hiệu nhiễm khuẩn khu trú vào vùng Thận:

+ Sốt, có thể cao đến 39-40o, có khi có cơn rét run.

+ Đau vùng thận một bên hoặc cả hai bên.

b- Tiểu đục, tiểu gắt (50% trường hợp)

c- Tiểu ra protein: 80-90%. Trường hợp tiểu ra protein nhẹ thì từ 40-50mg% đến 150-300mg%, ít khi quá 300mg% (tức 3g/lít nước tiểu), thường dưới 5g/24 giờ. Trong trường hợp cấp tính mức protein thường trên dưới 300mg%.

d- Tiểu ra bạch cầu: là dấu hiệu phổ biến nhất trong trường hợp cấp tính.

+ Tiểu ra hồng cầu (máu), ít phổ biến hơn.

Điều Trị: Thanh nhiệt, lợi thấp, lợi niệu, thông lâm.

Có thể chọn dùng một số bài sau đây:

+ Thận Vu Thanh Giải Thang (Thiểm Tây Trung Y Tạp Chí 1989, (11): 491): Bạch đầu ông, Liên kiều, Hoạt thạch đều 30g, Hoàng bá, Mộc thông, Biển súc, Cù mạch, Phục linh đều 15g, Hoàng liên, Cam thảo (sống) đều 10g. Sắc uống. Điều trị 14-90 ngày.

TD: Thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp.

Đã trị 67 ca, nam 12, nữ 55.tuổi từ 12 đến 67. Trong đó, cấp tính 45 ca, mạn tính 22. khỏi hoàn toàn 21 (cấp tính 16, mạn tính 5). Có hiệu quả 24 (cấp 19, mạn 5). Có chuyển biến 18 (cấp 9, mạn 9). Không hiệu quả 4 (cấp 1, mạn 3). Đạt tỉ lệ 94%.

+ Bát Chính Ô Linh Thang (Hồ Bắc Trung Y Tạp Chí 1991: 6, 16): Thổ phục linh 30g, Cù mạch 20g, Biển súc, Xa tiền tử, Hoạt thạch đều 18g, Mộc thông 12g, Đăng tâm thảo 5g, Ô dược. Sơn chi (sao), Đại hoàng (sống) đều 10g. Sắc uống. Cứ 6 giờ uống một lần.

TD: Thanh lợi thấp nhiệt. Trị bí tiểu cấp tính do viêm nhiễm.

Đã trị 60 a, nam 24, nữ 36. Tuổi từ 6 đến 64. có dấu hiệu sợ lạnh, sốt 38-39,5oC, lưng đau, bụng dưới trướng đau, tiểu nhiều, đường tiểu sưng, đau, rát hoặc tiểu ra máu hoặc tiểu ra sỏi. Vùng Thận đau. Xét nghiệm nước tiểu có albumin, bạch cầu, hồng cầu. Sau khi uống thuốc, khỏi 45 ca, có chuyển biến 12, không kết quả 3. Đạt tỉ lệ 95%. Thuốc uống ít nhất 5 ngày, nhiều nhất 45 ngày. Trương hợp mạn tính, phải uống trên 10-15 ngày mới thấy có kết quả.

+ Thông Lâm Lợi Thấp Thang (Hắc Long Giang Trung Y dược 1986, (5): 11): Ngân hoa, Biển súc đều 30-50g, Vu căn, Tây qua bì, Hoàng qua bì đều 50g, Liên kiều, Thạch vi đều 15-30g, Hoàng bá 25g, Tỳ giải 15g, Bạch khấu nhân (cho vào sau), Mộc thông, Cam thảo đều 10g. Sắc uống.

TD: Thanh nhiệt, giải độc, thông lâm, lợi thấp. Trị bể thận viêm cấp.

Đã trị 160 ca. Khỏi 86 (53,7%), có kết quả 52 (32,5%), không kết quả 22 (13,8%). Tỉ lệ chung đạt 86,2%. Thuốc uống ít nhất 3 ngày, nhiều nhất 11 ngày, trung bình 7 ngày. Những bệnh nhân có sốt, sốt hạ khoảng 2-6 ngày, trung bình 4 ngày. Xét nghiệm nước tiểu thấy trở lại bình thường vào 4 – 38 ngày, trung bình 22 ngày. Thời gian hết nhiễm khuẩn 8-36 ngày, trung bình 20 ngày. Thuốc uống trung bình 12 ngày.

+ Tiêu Viêm Giải Độc Thang (Sơn Đông Trung Tạp Chí): Cù mạch, Biển súc, Mộc thông, Xa tiền tử(cho vào bao)û đều 12g, Thạch vi 15g, Hổ phách (cho vào bao) đều 6g, Đam trúc diệp 10g, Cam thảo 6g, Bồ công anh 20g, Liên kiều 12g, Ngư tinh thảo, Thổ phục linh đều 30g. Sắc uống.

TD: Thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, thông lâm. Trị bể thận viêm cấp.

+ Hổ Phách Đạo Xích Tán (Quảng Tây Trung Y Dược 1991: 3, 104): Hổ phách 10g, Sinh địa 30g, Mộc thông 12g, Trúc diệp 15g, Cam thảo 6g. Hổ phách để riêng, các vị kia sắc còn 300ml nước, bỏ bã, thêm Hổ phách vào, quấy uống. 12 ngày là một liệu trình. Không uống nước trà và thức ăn cay, nóng.

TD: Thanh Tâm hỏa, lợi tiểu tiện. Trị bể thận viêm cấp.

Đã trị trên 100 ca. Khỏi 82, chuyển biến tốt 13, không kết quả 5. Uống ít nhất 4 thang, nhiều nhất 12 thang.

+ Hàn Thông Nhị Đinh Bán Thang (Thượng Hải Trung Y Dược Tạp Chí 1989: 11, 11): Hoạt thạch (bọc lại, sắc trước), Tử hoa địa đinh, Hoàng hoa địa đinh đều 30g, Hàng thược, Bán chi liên đều 15-30g, Tri mẫu 12-24g, Hoàng bá 10-15g. Sắc uống

BỂ THẬN VIÊM MẠN

Là bệnh phổ biến nhất trong các loại bệnh Thận. Đây cũng là bệnh nhiễm khuẩn thường gặp ở mọi lứa tuổi sau khi bị viêm phổi.

Bể Thận – Thận viêm thường bị cả hai bên, ít khi bị một bên nhưng mức độ tổn thương ở hai bên khác nhau, có khi một bên thận bị xơ, teo, bên kia vẫn hoạt động bình thường. Là một quá trình viêm mạn thành từng ổ: bên cạnh ổ mới, có những ổ cũ bị xơ hóa xâm lấn vào tổ chức thận. Rõ nét nhất là sự xâm lấn vào tế bào, lympho bào và tổ chức kẽ của thận, gây xơ hóa tổ chức kẽ của thận và tổ chức xơ xâm lấn chèn ép làm đảo lộn cấu trúc thận.

Đông y xếp vào loại ‘Lao Lâm’, ‘Yêu Thống’, ‘Hư Tổn’.

Đông y gọi là ‘Mạn Tính Thận Vu Thận Viêm’.

Nguyên nhân

Theo Đông y, Thận và bàng quang có quan hệ biểu lý với nhau, nếu tạng bị hư tổn thì phủ cũng bị ảnh hưởng theo và ngược lại. Chứng nhiệt lâm (bể thận viêm cấp) điều trị lâu ngày không khỏi hoặc do cơ thể vốn bị suy nhược, thấp nhiệt và tà khí ở trong, ứ huyết tích tụ lại gây nên tiểu nhiều, tiểu gắt, tiểu buốt, lưng đau. Nếu thấp nhiệt nung nấu lâu ngày sẽ làm hao tổn tân dịch, làm tổn thương chính khí, trên lâm sàng sẽ xuất hiện dấu hiệu thận âm bất túc. Nếu Tỳ Thận đều hư sẽ gây nên chính khí suy, tà khí thịnh.

Triệu chứng:

+ Đa số tiến triển âm thầm, triệu chứng rất sơ sài khiến cho người bệnh dễ bỏ qua.

+ Thỉnh thoảng sốt nhẹ, ngang thắt lưng đau, người mỏi mệt.

+ Thỉnh thoảng tiểu buốt, tiểu gắt, có khi không điều trị cũng khỏi.

+ Khoảng 1/3 số trường hợp thường có kèm các đợt cấp tính, sốt cao, đau vùng Thận hai bên hoặc một bên, tiểu đục. Triệu chứng giống như trong trường hợp viêm cấp nhưng chỉ là một đợt cấp trên gốc bệnh viêm mạn.

+ Dấu hiệu tương đối rõ nhất là ba dấu hiệu chính khi xét nghiệm gồm:

. Nước tiểu có vi khuẩn.

. Tiểu ra bạch cầu, thường trên 4 triệu bạch cầu trên 24 giờ.

. Tiểu ra protein: thường chỉ từ 50-200mg% (0,5 đến 2g) / lít nước tiểu.

Tiến Triển

Tiến triển dai dẳng hàng chục năm, có khi 29-30 năm. Có khi gây nên:

. Huyết áp cao tiến triển theo bể thận – thận viêm, nặng dần dẫn đến suy thận.

. Thận bị xơ, teo, mất chức năng hoạt động, năng thì phải cắt bỏ bên teo.

. Thận suy từng đợt: nặng nhất là giảm khả năng cô đặc nước tiểu, tiến triển trong nhiều năm trước khi bị suy thận hoàn toàn.

Thường dùng phép công và bổ cùng lúc.

Bệnh mới phát, dùng phép Thanh nhiệt, lợi thấp, lợi niệu thông lâm, hoạt huyết hóa ứ. Khi bệnh đã ổn định, dùng bổ Tỳ, ích Thận để tăng sức đề kháng đối với bệnh.

Có thể dùng một số bài thuốc sau:

Thanh Hóa Thang (Trung Quốc Hương Tài Y Sinh Tạp Chí 1993: 4, 39):Xích thược, Xuyên khung, Ngưu tất. Đương quy vĩ, Xuyên sơn giáp (nướng) đều 6g, Xa tiền tử, Tây thảo 9g, Bạch mao căn 15g. Sắc uống 1 tuần.

TD: Thanh nhiệt, khứ thấp, hoạt huyết, hóa ứ. Trị bể thận viêm mạn.

Đã trị 42 ca, toàn bộ đều là nữ giới. Tuổi từ 21-62. Bệnh từ 3-18 năm. Tất cả đã được Tây chẩn đoán là bể thận viêm mạn tính. Uống thuốc này 3-5 thang nhiều lắm cũng không quá 6 thang đều khỏi. Đạt tỉ lệ 96%.

Thanh Lâm Thang (Hắc Long Giang Trung Y Dược 1991: 3, 16): Hoàng bá 30g, Ngân hoa 60g, Hoàng cầm 20g, Ngưu tất 12g. Sắc uống.TD: Thanh nhiệt giải độc. Trị bể thận viêm và mạn tính.

Đã trị 185 ca cấp tính. Khỏi 166, có hiệu quả 13, có chuyển biến 4, không kết quả 2. Tổng kết đạt 98,91%.

Có 49 ca mạn tính, khỏi 19, có hiệu quả 17, có chuyển biến 9, không kết quả 4. đạt tỉ lệ 87,25%.

Phù Chính Hoạt Huyết Phương (Trung Cấp Y San 1991: 11, 61): Hoàng kỳ (sống) 20g, Đương quy (toàn), Thân thảo, Đan sâm đều 15g, Xuyên khung 10g, Thảo hồng hoa 12g. Sắc uống.

TD: Phù chính, hoạt huyết. Trị bể thận viêm mạn tính.

Trị 31 ca. Tuổi từ 21 – 70. bệnh từ 3 năm trở lên. Kết quả khỏi hoàn toàn 17, có kết quả 10, có chuyển biến 3, không kết quả 1. Đạt tỉ lệ 96,8%.

Dưỡng Âm Thông Lâm Phương (Hồ Băcs Trung Y Tạp Chí 1992: 6, 18): Sơn dược, Cù mạch, Xa tiền tử đều 30g, Sinh địa, Phục linh đều 15g, Đơn bì 10g, Mộc thông, Cam thảo sống đều 5g. Sắc uống. 10 ngày là một liệu trình.

TD: Dưỡng âm, thông lâm. Trị nhiễm trùng đường tiểu nơi người lớn tuổi.

Đã trị 53 ca. Nam 4, nữ 49. tuổi từ 50trơr lên. Bệnh từ 2 năm đến 15 năm. Đều có tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu nhiều, sốt, lưng đau. Xét nghiệm thấy có bạch cầu, có vi khuẩn 37 ca. Kết quả: khỏi 42, có kết quả 5, không kết quả 6. Đạt tỉ lệ 88,7%.

Thông Lâm Hóa Trọc Thang (Trung Y Tạp Chí, 1989: 9, 22): Tỳ giải, Thạch xương bồ, Hoàng bá, Thạch vi đều 15g, Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, Thổ bối mẫu, Ngưu tất đều 10g, Mã bột 5g, Yết vĩ (tán nhuyễn, hòa vào thuốc uống) 1g. Sắc uống.

TD: Thanh nhiệt lợi thấp, phân thanh hóa trọc. Trị nhiễm trùng đường tiểu mạn tính.

BỆNH TUYẾN VÚ

Đại Cương

Bệnh của vú là những bệnh phát sinh ở bầu vú thường gặp trong ngoại khoa Đông y; người xưa và trong dân gian có nhiều kinh nghiệm trong điều trì, chúng ta cần tham khảo.

Sự Quan Hệ Giữa Kinh Lạc Và Tuyến Vú

Tuyến vú ở vào vị trí khoảng trước xương sườn ngực 3 và 6.

Theo Y học cổ truyền thì vú là nơi hội tụ của các kinh lạc như kinh dương minh vị, kinh Thái âm Tỳ, kinh Quyết âm Can, kinh Thiếu âm Thận đều từ chân lên ngực có nhánh vào vú, 2 mạch Xung Nhâm cũng từ bào cung đi qua bụng, rốn lên ngực và có

phân nhánh vào tuyến vú. Người xưa cũng cho là nam giới, đầu vú thuộc can, bầu vú thuộc thận, nữ giới thì đầu vú thuộc Can còn bầu vú thuộc Vị, và như vậy là vú có quan hệ mật thiết với các kinh Can, Vị, Thận và 2 mạch Xung, Nhâm.

Sự Quan Hệ Giữa Tạng Phủ Và Tuyến Vú

Kinh lạc là bắt nguồn từ tạng phủ và đi ra bề mặt cơ thể, cho nên các tạng phủ có kinh lạc thông với vú tất nhiên là có quan hệ với tuyến vú. Thận là vốn của tiên thiên và Tỳ là nguồn của hậu thiên, cho nên sự phát triển của tuyến vú là không thể tách rời 2 tạng Tỳ Thận. Sữa do tinh chất của thức ăn tạo thành, Tỳ Vị có khỏe sữa mới có nhiều. Can chủ sơ tiết. Và chi phối tiết sữa, Can khí mà không thư thái thì việc tiết sữa cũng bị hạn chế.

Nguyên Nhân Và Cơ Chế Sinh Bệnh Tuyến Vú Theo Y Học Cổ Truyền

Sự quan hệ giữa tạng phủ, kinh lạc và tuyến vú rất mật thiết cho nên các yếu tố làm tắc nghẽn kinh lạc, gây rối loạn chức năng tạng phủ đều có thể gây bệnh tuyến vú. Những nguyên nhân thường gặp có:

+ Can Thấp Nhiệt: do Can khí không thông đạt, ăn nhiều chất béo mỡ gây tích nhiệt ở Tỳ Vị, kinh lạc không thông, khí trệ huyết ứ lâu ngày hóa nhiệt gây bầu vú sưng nóng đỏ đau, làm mủ thường kèm theo sốt, sợ lạnh, miệng khát muốn uống, tiểu ít, nước tiểu vàng đậm, chất lưỡi đỏ, rêu trắng hoặc vàng, mạch Huyền Sác. Trường hợp nhũ ung, nhũ phát thường gặp thể bệnh này.

+ Can Khí Uất Kết: người thường tức giận lo lắng, Can khí không được thư thái sinh khí trệ huyết ứ, Can uất làm ảnh hưởng đến sự vận hóa của Tỳ, Tỳ rối loạn thì đờm trọc nội sinh, khí trệ đờm ứ liên kết với nhau thành khối u, mặt thường nhẵn, cứng di động hoặc không, kèm theo bứt rứt, dễ bực bội, kinh nguyệt không đều, chất lưới đỏ, rêu trắng mỏng, mạch Huyền Hoạt. Thường gặp trong các chứng nhũ tích, nhũ nham.

+ Can Thận Bất Túc: có thể do tiên thiên bất túc hoặc hậu thiên mất cân bằng, sinh đẻ quá nhiều gây nên Can Thận hư tổn, hai mạch Xung Nhâm mất điều hòa, tinh huyết thiếu, thủy không dưỡng được mộc khiến cho Can hỏa vượng lên nung nấu tân dịch thành đờm, đờøm kết thành hạch, thường phát triển có liên quan đến kinh nguyệt và thai nghén. Triệu chứng: đau tức tăng trước lúc có kinh, kèm theo chóng mặt ù tai, lưng đau gối mỏi, kinh nguyệt không đều, lưới đỏ rêu trắng mỏng, mạch Huyền Tế Sác. Thường gặp trong trường hợp nhũ tích, nhũ lịch.

+ Âm Hư Đờm Ngưng: do Phế Thận âm hư sinh hỏa vượng, đốt tân dịch thành đờm, đờm kết tụ ở vú sinh khối u. Thường sắc da không thay đổi, hơi đau, phát triển thành mủ chậm, nước mủ loãng trong, thường kèm theo sốt chiều, đêm ra mồ hôi trộm, người gầy ăn ít, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch Tế Sác. Thường gặp trong chứng Nhũ lao có liên quan với chứng Phế âm hư.

+ Độc Tà Ngoại Nhập: do chính khí suy, hoặc do xây xát ngoài da, do đầu vú lõm dễ nhiễm ngoại tà sinh bệnh, hoặc do trẻ bú trong miệng có độc nhiễm phải gây nên chứng Nhũ ung, Nhũ phát.

Những Điều Cần Chú Ý Lúc Khám Vú

Khám vú là khâu quan trọng để phát hiện bệnh của vú mà phương pháp chủ yếu là nhìn và sờ nắn.

1. Cách nhìn: Để bệnh nhân ngồi hoặc đứng ngay ngắn, cởi áo bộc lộ vú đầy đủ. Lúc nhìn chú ý vị trí của bầu vú to nhỏ những điểm khác thường, đầu vú lõm lồi, mầu da của vú, dùng tay nâng bầu vú lên hoặc bảo bệnh nhân đưa cao cánh tay lên đầu để khám. Có thể so sánh vú cả hai bên để phát hiện sự khác thường.

2. Cách sờ nắn: bệnh nhân có thể ở tư thế ngồi, nằm hoặc kết hợp cả hai. Khám bên lành trước, bên bệnh sau để dễ phát hiện bệnh lý. Tốt nhất là dùng phần bụng của 4 ngón tay khép lại áp sát vào da của vú, ấn với độ nặng nhẹ khác nhau để phát hiện độ cứng mềm, tính chất khác nhau của khối u. Khám lần lượt bầu vú đến quầng vú và núm vú và chú ý xem có nước chảy ở đầu vú không.

Những điều cần chú ý lúc sờ nắn vú:

a- Khám bầu vú tốt nhất là sau khi thấy kinh 7-10 ngày là lúc mà trạng thái sinh lý của tuyến vú tương đối ổn định, có hòn cục dễ phát hiện.

b- Phát hiện khối u ở bầu vú cần hiểu rõ vị trí, to nhỏ, hình thái, độ cứng, độ đau, độ di động, bề mặt của khối u.

c - Cần kiểm tra tình hình hạch lym phô ở hố nách, hố thượng đòn và hố hạ đòn.

d - Cần kết hợp với độ tuổi, tiền sử bệnh và các mặt khám xét khác để xác định chẩn đoán.

Các Phương Pháp Điều Trị Bệnh Tuyến Vú

Phương Pháp Điều Trị Nội Khoa

+ Giải Biểu Tiêu Độc: dùng cho chứng nhũ ung giai đoạn mới phát, có triệu chứng sốt, sợ lạnh, lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù Sác. Bài thuốc thường dùng: Qua Lâu Ngưu Bàng Thang (Qua lâu, Ngưu bàng tử, Thiên hoa phấn, Hoàng cầm, Trần bì, Chi tử, Tạo giác thích, Kim ngân hoa, Thanh bì, Sài hồ, Cam thảo, Liên kiều), Ngân Kiều Tán (Kim ngân hoa, Liên kiều, Ngưu bàng tử, Cát cánh, Bạc hà, Trúc diệp, Kinh giới, Đạm đậu xị, Sinh cam thảo, Lô căn tươi).

+ Thanh Nhiệt Giải Độc: dùng cho chứng nhũ ung, nhũ phát dạng nhiệt độc thịnh, giai đoạn làm mủ. Có triệu chứng nóng sốt, khát nước, táo bón, nước tiểu vàng đậm, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền Sác. Dùng bài Hoàng Liên Giải Độc Thang, Nội Sơ Hoàng Liên Thang (Binh lang, Mộc hương, Chi tửû, Liên kiều, Bạc hà, Hoàng cầm, Hoàng liên, Cam thảo, Cát cánh, Đại hoàng, Đương quy, Bạch thược).

+ Thác Lý Thấu Nùng: dùng cho bệnh nhân cơ thể suy nhược, khí huyết hư,, làm mủ khó vỡ hoặc vỡ mủ ra nước trong loãng, miệng nhọt bằng, sưng, khó liền miệng, môi lưỡi đỏ nhợt, mạch Trầm Tế vô lực. Dùng bài Thác Lý Thấu Nùng Thang (Nhân sâm, Bạch truật, Sơn giáp, Bạch chỉ, Thăng ma, Đương quy, Cam thảo, Hoàng kỳ, Tạo giác thích, Thanh bì), hoặc bài Thác Lý Tiêu Độc Tán.

+ Giải Uất Hóa Đờm: dùng cho chứng bệnh tinh thần không thư thái, can khí uất khiến chức năng tỳ rối loạn, đờm khí kết tụ sinh bệnh nhũ trung kết hạch như Nhũ tích, Nhũ lịch, Nhũ nham..., dùng các bài Tiêu Dao Tán hợp Tiểu Kim Đơn.

+ Bổ Ích Phù Chính: dùng cho chứng Nhũ nham, Nhũ lao sau khi loét, sắc mặt kém tươi nhuận, khó thở, mệt mỏi, chán ăn, môi lưỡi nhợt, mạch Tế vô lực hoặc sốt chiều ra mồ hôi, váng đầu, ù tai, chất lưỡi đỏ, mạch Tế Sác; Hoặc người mát, chân tay lạnh, đại tiện lỏng, lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Trì; Hoặc Nhũ ung, Nhũ phát, Nhũ lao đã vỡ, khí huyết đều hư; thường dùng bài Dưỡng Vinh Thang, Quy Tỳ Thang. Trường hợp Can Thận bất túc, chọn dùng các bài Tả Qui Hoàn, Hữu Qui Hoàn, Lục Vị Địa Hoàng Hoàn, Nhị Tiên Thang (Tiên mao, Tiên linh tỳ, Đương qui, Ba kích, Tri mẫu, Hoàng bá).

Phương Pháp Điều Trị Tại Chỗ

+ Phương Pháp Dán Thuốc: Đối với các chứng như Nhũ ung, Nhũ phát thuộc dương chứng, nên thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng. Dùng Kim Hoàng Tán, Ngọc Lộ Tán, Song Bá Tán trộn với nước hoặc mật đắp ngoài, ngày dùng 1-2 lần. Lúc vỡ mủ rồi dùng các bài Bát Nhị Đơn, Cửu Nhất Đơn. Sau khi mủ ra gần hết, trường hợp hết mủ, dùng Sinh Cơ Tán, Sinh Cơ Ngọc Hồng Cao. Đối với những trường hợp ung thư, nên ôn kinh hòa dương, hóa đờm, thông lạc, tiêu thũng, chỉ thống, nên dùng Dương Hòa Giải Ngưng Cao, Thấm Hắc Thối Tiêu, Quế Xạ Tán v.v...

+ Điều Trị Bằng Phẫu Thuật: rạch da tháo mủ (đối với chứng Nhũ ung, Nhũ phát giai đoạn làm mủ), phẫu thuật ngoại khoa (đối với chứng u xơ hoặc ung thư vú).

BỎNG

Đại Cương

Bỏng là tổn thương do tác dụng trực tiếp của các yếu tố vật lý (nhiệt, bức xạ, điện…) và hoá học gây ra trên cơ thể. Da là bộ phận thường bị tổn thương nhất khi bị bỏng, kế đến là các lớp sâu dưới ga (cân, cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh) và một số cơ quan (đường hô hấp, ống tiêu hoá, bộ phận sinh dục)…

Theo YHHĐ, từ ‘Bỏng’ lần đầu tiên được nhắc đến trong tập ‘Corpus Hipocraticum’ của Hipocrate. Từ năm 1938, Wilson đề xuất dùng tên gọi bệnh bỏng.

Tại Việt Nam, danh y Tuệ Tĩnh đã phân loại bỏng nước sôi, bỏng lửa và trong ‘Nam Dược Thần Hiệu’ ghi lại 19 phương thuốc trị bỏng đơn giản.

Trong ‘Hành Giản Trân Nhu’ của Hải Thượng Lãn Ông ghi 6 phương thuốc trị bỏng nước sôi, bỏng lửa, bỏng dầu sôi.

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bị bỏng chiếm 33-35%, trẻ dưới 16 tuổi chiếm 57-65%.

Đông y gọi là Nãng Thương.

Trên lâm sàng, các sách giáo khoa Đông y phân làm ba loại chính là Thuỷ Nãng (Bỏng nước), Du Nãng (Bỏng do dầu), Thiêu Thương (Bỏng do hơi nóng, lửa…). Bỏng nước nhẹ nhất, bỏng do dầu nặng hơn, còn bỏng lo nhiệt nặng nhất.

Tác Nhân Gây Bỏng

+ Bỏng Do Nhiệt: thường gặp nhất, chiếm 84-93%. Chia thành hai nhóm: Nhóm do nhiệt khô (lửa, tia lửa điện, kim loại nóng chảy…) chiếm 27-32% và nhóm do nhiệt ướt (nước sôi, thức ăn nóng sôi, dầu mỡ sôi, hơi nước nóng…) chiếm 53-61%.

+ Bỏng Do Dòng Điện chia thành hai nhóm: Do luồng nhiệt có hiệu điện thế thông dụng (dưới 1000 volt) và do luồng điện có hiệu điện thế cao (trên 1000 volt). Sét đánh cũng gây bỏng do luồng điện có điện thế cao.

+ Bỏng Do Hoá Chất (2,3-8%): gồm các chấy oxy hoá, chất khử oxy, chất gặm mòn, chất gây độc cho bào tương, chất làm khô, chất làm dộp da. Trên lâm sàng được chia thành hai nhóm: Nhóm Acid acids Sulfuric, Nitrics, Chlohydric…) và nhóm Chất Kiềm (NaOH, KOH, NH4OH…). Bỏng do vôi là loại bỏng vừa do sức nhiệt vừa do chất kiềm (8,5-11,6%)

+ Bỏng Do Bức Xạ: tia hồng ngoại, tia tử ngoại, tia Laser…

ngoài ra, còn có bỏng do Nhựa đường, tai nạn giao thông…

Trong bỏng nhiệt, khi mô tế bào bị nóng đến 43o-450C, sự sống của tế bào bị đe doạ. Nếu nóng đến 46-47oC, lượng Adenosin Triphotphat (ATP) giảm 50%. Nếu nóng đến 50oC thì tổn thương còn có thể phục hồi, nóng từ 50-60oC thì các thành phần Protein bị biến thoái, không thể phục hồi. Nếu nóng đến 60- 70oC thì mô tế bào bị hoại tử ngay khi tác nhân nhiệt tiếp xúc. Những vùng gần chỗ bị bỏng xuất hiện các rối loạn tuần hoàn máu và bạch mạch, tạo nên các men tiêu huỷ Protein.

Phân loại

Bỏng được chia làm ba loại:

+ Bỏng độ I: Da đỏ lên, chỉ ảnh hưởng đến lớp da ở nông nhất, vết bỏng lành nhanh nhưng da bị tổn thương có thể tróc ra sau đó vài ngày. Rám nắng được xếp vào loại bỏng độ 1.

+ Bỏng độ 2: Da bị tổn thương sâu hơn, tạo bóng nước. Tuy nhiên một phần chân bì (phần sâu của da) vẫn còn nên da có thể tái tạo lại được. Vì vậy, bỏng độ 2 thường lành, không để lại sẹo, trừ khi diện tích bỏng quá rộng.

+ Bỏng độ 3: Huỷ hoại toàn bộ bề dầy của da. Vùng da bỏng có mầu trắng hoặc cháy sém. Nếu bỏng sâu có thể tới cơ và xương.

Bề sâu của vết bỏng tuy quan trọng cho việc vết bỏng thành sẹo tốt hoặc xấu nhưng chính bề mặt vết bỏng là yếu tố quan trong quyết định việc biến chuyển toàn thân của người bỏng: bề mặt da bị bỏng càng rộng càng nguy hiểm cho tính mạng vì mất nhiều nước và đau nhiều. Bỏng chiếm trên 15% diện tích được coi là bỏng nặng.

Để đánh giá được tỉ lệ diện tích bỏng, cần biết qua cách phân chia diện tích cơ thể:

Đầu mặt cổ: 9%

Thân phía trước : 18%

Thân phía sau: 18%

Chi trên: 9% (mỗi bên)

Chi dưới: 18% (mỗi bên)

Vùng sinh dục: 1%

Tuy nhiên ở trẻ nhỏ có hơi khác:

Trẻ sơ sinh: đầu chiếm 19%. Trẻ một tuổi: đầu chiếm 17%. Như vậy trẻ nhỏ bị bỏng ở đầu sẽ bị nặng hơn.

Vùng Giải Phẫu

1 tuổi

5 tuổi

10 tuổi

15 tuổi

. Đầu + Mặt + Cổ

. Đùi (hai bên)

. Cẳng chân (hai bên)

17

(- 4) = 13

(- 3) = 10

(- 4) = 13

(+ 3) = 16

(+ 1) = 12

(- 3) = 10

(+ 2) = 18

(+ 1) = 12

(- 2) = 8

(+ 1) = 19

(+ 1) = 13

Có thể dùng chỉ số Frank để tiên lượng bỏng: Cứ 1% diện bỏng nông là 1 đơn vị, 1% diện bỏng sâu là 3 đơn vị. Khi chỉ số Frank từ 30 – 70 là sốc nhẹ. Chỉ số Frank 70-100 là sốc vừa, từ 110 trở lên là sốc nặng và rất nặng.

Ảnh Hưởng Và Biến Chứng

Bệnh bỏng được xác định khi diện bỏng từ 10-15% diện tích cơ thể trở lên hoặc khi có bỏng sâu (từ 3-5% diện tích trở lên). Chấn thương bỏng gây các rối loạn chức năng toàn thân và các biến đổi bệnh lý xuất hiện có tính chất quy luật từ khi bị bỏng cho đến khi khỏi hoặc chết.

+ Bỏng lan rộng độ 1: gây đau, bồn chồn, nhức đầu, sốt nhưng không nguy hiểm.

+ Bỏng độ 2 hoặc 3 trên 10% diện tích da, có thể bị sốc, mạch tăng, huyết áp hạ do cơ thể mất một lượng lớn dịch chứa Protein ở vùng bỏng. Sốc có thể gây chết nếu không điều trị kịp thời bằng bù dịch.

Khi bị bỏng, da không thể bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng được nữa. Nhiễm trùng vùng da bị bỏng rộng có thể gây biến chứng chết người.

Bị bỏng mắt, cần xử trí kịp thời để bảo vệ mắt. Ngay sau khi bị bỏng, cần rửa mắt nhiều lần bằng nước lạnh sạch, vô khuẩn, sau đó gửi đến chuyên khoa mắt.

Điều trị

+ Bỏng Nhẹ:

. Nhúng vùng bị bỏng vào vòi nước lạnh ngay lập tức.

. Hoặc đắp chỗ bỏng bằng gạc (khăn tay hoặc khăn tắm) thấm nước lạnh cho đến khi bớt đau.

. Tháo hết các đồng hồ, vòng đeo tay, nhẫn, dây thắt lưng hoặc quân áo chật tại vùng bị bỏng trước khi chỗ bỏng sưng lên.

. Băng lại bằng gạc sạch (vô trùng).

+ Bỏng Nặng:

. Nếu quần áo nạn nhân đang cháy, dội nước lên nạn nhân, hoặc trùm khăn lên nạn nhân và đặt nằm dưới đất.

. Không nên cởi quần áo đã dính vào vết thương, nhưng phải che vùng bỏng lại bằng quần áo sạch, khô, không có bụi, bông để tránh nhiễm trùng.

. Cắt lọc bỏ da đã bị nát cho vết bỏng vừa sạch vừa gọn.

. Cho bệnh nhân bỏng mặc quần áo nhẹ, vô trùng hoặc không mặc gì để vết bỏng dễ khỏi. Cố gắng giữ da sạch sẽ, cách ly bệnh nhân.

Dùng một trong các bài thuốc sau:

Thanh Lương Cao (Y Tông Kim Giám): Nước vôi trong, một phần (cách lấy: Vôi loại càng lâu càng tốt, hoà với nhiều nước dễ thật lắng, hớt bỏ váng, chỉ lấy nước trong, không lấy cặn ở dưới), dầu Mè (vừng) một phần. Trộn thật đều thành một chất nước đục trắng như sữa, bôi lên vết bỏng, hoặc tẩm vào gạc đắp lên vết thương bỏng. Cứ hai ngày thay băng một lần. Mỗi lần thay băng, phải rửa sạch vết bỏng (Nông Thôn Y Sĩ Thủ Sách).

Bài thuốc này tuy đơn giản nhưng có cơ sở lý luận khoa học: Nước Vôi trong là dung dịch Hydroxid Calci (Ca(OH)2, một loại Bazơ, vì ít tan trong nước nên dung dịch này là một chất kiềm tương đối yếu. Tại chỗ bỏng có một sự rối loạn chuyển hoá các chất Glucid, Lipid, Protid. Các chất này trong quá trình chuyển hoá không được oxy hoá hoàn toàn, vì thế sinh ra nhiều chất toan làm cho vết bỏng nhiễm toan, tức là tăng nồng độ acid ở chỗ vết bỏng. Sự nhiễm độc toan này góp phần vào việc làm dãn mạch, gây phù. Nước Vôi trong là một chất kiềm trung hoà được chất acid, vì thế, có tác dụng làm bớt phù nề ở vết bỏng. Trong dầu Mè có Olein, Linol, Palmitin, Stearin, Phytosterin, Seamin, là loại dầu thường dùng làm thuốc cao bôi lên da có tác dụng giải độc, chỉ thống. Vì vậy, bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phu (da), trị bỏng nước, bỏng lửa, thời kỳ đầu da bị đỏ hoặc có phồng nước (Trung Y Ngoại Khoa Giảng Nghĩa).

+ Lá Trầu không già, rửa sạch, giã nát, hoà với ít rượu, ép lấy nước, bôi lên vết bỏng (Nam Dược Thần Hiệu). Rượu có tác dụng làm sạch chất bẩn, dịu đau, vì có tác dụng gây tê các đầu mút thần kinh. Lá Trầu không có chất kháng sinh thảo mộc (Phytoncid) đẻ ức chế các vi khuẩn, tránh được nhiễm khuẩn.

+ Thạch cao, tán nhuyễn, hoà với Mật ong cho sền sệt, bôi lên vết bỏng (Hành Giản Trân Nhu). Thạch cao tính hàn, có tác dụng giải độc của hoả nhiệt, làm cho hết sưng đỏ. Mật ong có tác dụng hút nước ở vết thương, giúp vết thương mau khô và tránh được độ ẩm khiến cho vi khuẩn không có điều kiện sinh sôi, nẩy nở.

+ Nãng Thương Cao (Trung Y Ngoại Khoa Khái Yếu): Trắc bá diệp, vẩy cho khô, ngâm trong dầu Mè một ngày một đêm. Nấu cho thật nhừ và sệt lại, ép bỏ bã, chỉ lấy dầu trộn với 60g Sáp ong thành một dạng cao. Bôi cao này lên vết bỏng, cách ngày bôi một lần. Trong bài, Trắc bá diệp có Pinen Caryophyllen có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, sinh cơ, lại có tác dụng sát trùng, vì vậy bài thuốc này có tác dụng giảm đau do bỏng gây nên và làm cho mau ăn da non.

+ Sinh Cơ Định Thống Tán (Trung Y Ngoại Khoa Học Khái Yếu): Thạch cao (sống) 120g, Bằng sa 8g, Thần sa 12g, Băng phiến 2,4g. Tán nhuyễn. Sau khi rửa sạch vết thương, rắc thuốc vào vết bỏng. Trị bỏng lâu ngày mà vết bỏng không khỏi lại bị thêm nhiễm trùng. Trong bài có Thạch cao tính hơi hàn, có tác dụng giải hoả độc làm cho hết sưng. Băng phiến, chủ yếu là chất Borneol có tác dụng sát trùng, tiêu viêm làm giảm đau cục bộ. Hợp với Thần sa (la Sulfur thuỷ ngân HgS) có tác dụng an thần, sát trùng, tiêu viêm. Bằng sa có tác dụng sát trùng, tiêu viêm, giảm đau cục bộ. Bài thuốc này có tác dụng chính là sát trùng, giảm đau, làm cho mặt vết bỏng hết mủ , mau thành sẹo, lên da non.

+ Giáp Tự Đề Độc Phấn (Bệnh viện Tích Thuỷ Đàm, Bắc Kinh): Hồng phấn, Khinh phán đều 40g, Huyết kiệt 16g, Chu sa 12g, Băng phiến 8g, Xạ hương 2g. Tán thật nhuyễn (không trông rõ từng hạt óng ánh là được), cho vào lọ kín để dùng. Chỉ dùng bôi bên ngoài, không được uống. Khi dùng: rửa sạch vết bỏng, rắc một lớp thuốc mỏng lên trên mặt vết bỏng. Băng lại cho khỏi bụi. Mỗi ngày hoặc cách ngày thay một lần thuốc.

Hồng phấn còn gọi là Thăng dược, thành phần chủ yếu là Oxyd Thuỷ ngân HgO, Khinh phấn, thành phần hoá học là Clorua thuỷ ngân Hg2Cl2. Huyết kiệt còn gọi là Kỳ lân kiệt. Chu sa thành phần hoá học là Sulfur thuỷ ngân HgS. Băng phiến là chất Borneol được tinh chế. Xạ hương là hạch thơm của con chồn hương. Bài thuốc có tác dụng đối với vi trùng nuôi cấy cho thấy có tác dụng ức chế rõ đối với tụ cầu vàng, trực trùng mủ xanh, trực trùng Coli, Proteus.

Tác dụng trên vết bỏng cho thấy: trong thời gian điều trị, lượng vi khuẩn trên mặt vết bỏng giảm rõ rệt và có tác dụng loại trừ các mảng thịt thối rữa. Khi dùng thuốc có thể thấy mặt vết bỏng phù nề, thịt sần sùi hoá thành nước làm cho mặt vết bỏng trở nên bằng phẳng. Tuy nhiên đối với lớp da lành chung quanh và tổ chức da mới sinh không bị phá huỷ, điều đó cho thấy thuốc không những có tác dụng làm tiêu các thịt bị huỷ hoại mà còn có tác dụng cải thiện sự tuần hoàn dinh dưỡng, giảm đau do thúc đẩy sự sinh trưởng tổ chức mới và giúp thành sẹo.

Kết quả: Điều trị 10 ca bỏng trung bình sau 46 ngày:

. Vết bỏng diện tích 1 x 1cm đến 2 x 2cm khỏi trong một tuần.

. Vết bỏng lớn, diện tích 13 x 5cm hoặc 11 x 7cm, trong 2-3 tuần khỏi.

+ Thiêu Nãng Thương Tán (Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn): Hoàng kỳ, Sơn chi, Khổ sâm đều 5g, Thiên niên tử 200g, Thạch cao (sống) 5g.Tán nhuyễn. Dùng nước sắc lá Trà 3% trộn đều với thuốc bột, đắp vào chỗ bỏng.

TD: Thanh nhiệt, tiêu thủng, chỉ thống, giải độc, thu liễm sinh cơ. Trị bỏng do lửa diện tích nhỏ.

Đã trị 100 ca, bỏng nhẹ 53 ca, trung bình đắp 8 ngày thì khỏi. Bỏng vừa 38 ca, trung bình đắp 18 ngày khỏi. 8 ca nặng, trung bình đắp 20 ngày khỏi.. có một trường hợp nặng, đắp thuốc 32 ngày mới khỏi. Đạt tỉ lệ 100%. Bài này giảm đau nhanh, không để lại sẹo.

+ Hoàng Du Nãng Thương Cao (Quảng Tây trung Y Dược 1986, 6): Địa du, Đại hoàng, Hổ trượng đều 40g, Hoàng liên, Bạch liễm, Hải phiêu tiêu, Lô cam thạch đều 20g, Một dược 15g, Băng phiến (cho vào sau) 4g. Tán nhuyễn, trộn với dầu Mè thành dạng cao sền sệt. Dùng nước Muối sinh lý rửa vết thương rồi bôi thuốc vào, ngày 2 ~4 lần.

TD: Thanh nhiệt tiêu viêm, chỉ thống tiêu thủng. Trị bỏng diện tích 30% trở xuống, hợp với bỏng độ I, II.

Đã trị 35 ca, có 34 ca bôi thuốc 7 ~11 ngày, da bong ra và khỏi. Có một ca, do bỏng rồi bị vỡ miệng làm độc, phải đắp thuốc đến 16 ngày mới khỏi.

+ Quy Chỉ Nãng Thương Cao (Hồ Bắc Trung Y 1988, 2): Đương quy 120g, Bạch chỉ 30g, Huyết kiệt, Khinh phấn đều 12g, Cam thảo 36g, Tử thảo 30g, Mễ xác 120g, Ma du (dầu Mè) 500ml.

Khinh phấn và Huyết kiệt tán nhuyễn. Các vị khác nấu với dầu cho hơi khô, lọc lấy dầu, trộn với thuốc bột trên thành cao, dùng để bôi. Bỏng độ II, ngày thay một lần, bỏng nhẹ cách ngày thay một lần.

TD: Lương huyết, hoạt huyết, tiêu viêm chỉ thống. Trị bỏng.

Đã trị 50 ca. Trong đó đó bỏng độ II 34 ca, độ I có 5 ca, diện tích bỏng 15 ~ 35%. Điều trị 7 ~ 25 ngày. Trị khỏi 100%.

+ Tử Bạch Nãng Thương Du (Liêu Ninh Trung Y Tạp Chí 1987, 4): Tử thảo, Bạch chỉ, Nhẫn đông đằng, Địa du đều 50g, Đại hoàng 15g, Băng phiến 2,5g, Hương du (Dầu thơm) 500g. Trừ Băng phiến, các vị trên cho vào dầu, đun sôi 30 phút, bỏ bã, cho Băng phiến vào, trộn đều làm thành cao. Sau khi thanh trùng chỗ bỏng, bôi thuốc vào, đắp gạc vô trùng lên. Nếu không bị nhiễm trùng 5 ~ 7 ngày thay một lần.

TD: Lương huyết, thanh nhiệt, tiêu thủng chỉ thống. Trị bỏng.

Đã trị 104 ca. thời gian điều trị: độ I có 19 ca, trung bình 6,2 ngày. Độ II nhẹ có 62 ca, trung bình 14,5 ngày. Độ II nặng có 15 ca trung bình 36 ngày. Độ III có 8 ca, trung bình 65,3 ngày. Đạt tỉ lệ chung 100%.

Phòng Phỏng Và Điều Dưỡng

1. Tuyên truyền giáo dục mọi người chú ý những nguyên nhân gây bỏng, có biện pháp đề phòng, nhất là đối với trẻ em.

2. Theo dõi thân nhiệt, mạch, huyết áp hằng ngày.

3. Bệnh nhân nặng phải nằm drap vô khuẩn, giường mềm và luôn thay đổi tư thế.

4. Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng và chú ý chống nhiễm khuẩn.

BÔN ĐỒN KHÍ

Bệnh này chủ yếu do sợ hãi gây nên. Chứng trạng chính là tự cảm thấy có khí từ bụng dưới xông lên ngực, họng, giống như con heo chạy (bôn đồn), vì vậy gọi là Bôn Đồn Khí.

Tên bệnh Bôn đồn bắt đầu thấy ở sách Nội kinh, cũng có tên chung với các chứng Phục Lương, Tức Bôn, Phì Khí, Bĩ Khí.

Sách Nạn Kinh lại nói rõ thêm về bôn và chứng trạng của bệnh này.

Theo chứng trạng của bệnh Bôn đồn mà xét, cũng giống với bệnh bôn đồn khí, trong sách Kim Quỹ Yếu Lược nhưng một chứng là bệnh tích, một chứng là bệnh khí.

Nguyên Nhân

Về nguyên nhân bệnh bôn đồn, theo thuyết của Trương Trọng Cảnh thì một là vì sau khi sợ hãi, làm cho khí của Can Thận nghịch lên, hai là vì khí hàn thủy, từ bụng dưới xông lên gây ra.

1 - Do Khí Của Can Thận: Sách Kim Quỹ Yếu Lược viết: “Bệnh bôn đồn khí bắt đầu từ bụng dưới xông lên yết hầu, khi bệnh phát ra thì muốn chết rồi lại khỏi, đều do sợ hãi gây nên" và “Bệnh bôn đồn khí xông lên bụng ngực đau, lúc nóng lúc lạnh, dùng bài Bôn Đồn Thang làm chủ. Đó là nói rõ bệnh này do sợ hãi mà gây ra, chủ yếu là bệnh ở hai kinh Can và Thận: Đồng thời chứng trạng này, có thể tái phát nhiều lần.

2- Do Khí Hàn Thủy: Sách Kim Quỹ Yếu Lược có đề cập đến trường hợp "Sau khi cho ra mồ hôi, lại đốt kim châm cho ra mồ hôi, chỗ châm bị lạnh, nổi hạch đỏ tất nhiên phải bôn đồn. Khi từ bụng dưới xông lên Tâm. Cứu trên các hạch, mỗi chỗ một mồi, và dùng bài Quế Chi Gia Quế Thang làm chủ. Sau khi cho ra mồ hôi, dưới rốn thấy động, muốn phát bôn đồn, dùng bài Phục Linh Quế Chi Cam Thảo Đại Táo Thang làm chủ. Chứng trước là do mồ hôi ra quá nhiều, tâm dương không mạnh, mà lúc châm lại không cẩn thận phòng lạnh, thì khi lạnh lấn vào đột nhiên phát bệnh bôn đồn khí, chủ yếu do khí lạnh xông lên.

Điều Trị

Nên dùng phép ôn trung, tán hàn làm chủ yếu, dùng bài Quế Chi Gia Quế Thang nhưng cũng nên tùy chứng mà gia giảm. Chứng sau cũng do sau khi cho ra mồ hôi, tâm dương không đủ, hoặc người đó sẵn có thủy khí ở hạ tiêu, nhân lúc tâm dương không đủ, thủy khí muốn động cho nên dưới rốn máy động mà chưa đến nỗi nghịch lên, cho nên cách chữa lấy trợ dương, hành thủy làm chủ, dùng bài Phục Linh Quế Chi Cam Thảo Đại Táo Thang.

Nhưng khi thủy hàn nghịch lên, cũng không phải đều do khi trị liệu hư hàn, thấy hàn tụ ở dưới, nghịch mà chạy lên, cho nên sách Thiên Kim Yếu Phương dùng phép ôn dương để giáng nghịch có bài Bôn Đồn Khí Thang. Sách Y Học Tâm Ngộ có bài Bôn Đồn Hoàn. Hai bài này để bổ sung sự thiếu sót của sách Kim Quỹ Yếu Lược.

Một Số Bài Thuốc Kinh Nghiệm

+ Sâm Luyện Lệ Chi Thang (Hồ Bắc Trung Y Tạp Chí 1990, 6): Đảng sâm, Xuyên luyện tử đều 9g, Trần bì, Cam thảo (chích), Sài hồ, Mộc qua đều 5g, Thăng ma 7g, Phục linh 6g, Cát hạch, Lệ chi hạch đều 12g.. Sắc uống. Dùng cho trẻ nhỏ 1~2 tuổi.

TD: Bổ trung, thăng hãm, tán hàn, lợi thấp, lý khí, chỉ thống. Trị trẻ nhỏ bị sán khí.

Đã trị 102 ca, khỏi 42, chuyển biến tốt 40, không kết quả 20. Đạt tỉ lệ 80,2%. Trung bình uống 3~7 thang, đa số uống 15 thang thì khỏi. Có 8 ca bị tái phát, còn lại đều khỏi.

+ Tiểu Nhi Sán Khí Thang (Tân trung Y 1988, 4): Ô mai nhục, Cát hạch nhân, Thạch lựu bì, Chỉ xác, Xuyên luyện tử, Tiểu hồi, Hướng dương quỳ cán nhục bạch tâm 10g, Ngô thù du 6g, Nhục quế 3g. Sắc uống.

TD: Sơ Can, hoãn cấp, ôn kinh, tán hàn, táo thấp, kiện Tỳ, lý khí, chỉ thống. Trị tiểu nhi sán khí.

Đã trị 40 ca, nhẹ thì uống 3 thang, nặng uống 6~9 thang đều khỏi.

+ Tề Sán Phương (Tứ Xuyên Trung Y 1989, 7): Ngô thù du, Thương truật đều 12g, Đinh hương 3g, Bạch hồ tiêu 12 hột. Sấy nhỏ lửa, tán bột để dành dùng. Mỗi lần dùng 3~4g, trộn với dầu Mè cho đều, đắp vào vùng trên rốn, dùng băng rốn băng cố định lại. 1~2 ngày thay một lần. Nếu vùng bệnh phản ứng với thuốc đắp thì có thể cách 1~2 ngày đắp một lần.

TD:Ôn kinh tán hàn, lý khí, táo thấp, chỉ thống. Trị tề sán.

Đã trị 10 ca, đều khỏi, theo dõi 2 năm sau không thấy tái phát.

+ Noãn Cân Cử Sán Thang (Ấu Khoa Điều Biện):Hồ lô ba, Lệ chi hạch, Cát hạch, Sơn tra hạch, Đảng sâm đều 9g, Ba kích, Tiểu hồi, Thanh bì,, Xuyên luyện tử, Mộc hương đều 6g, Thăng ma 3g. Sắc uống.

TD: Noãn Can, tán hàn, thăng cử dương khí. Trị Hồ sán (loại hàn ngưng ở Can kinh, khí hư hạ hãm).

+ Thoái Dịch Thang (Tứ Xuyên trung Y 1985, 3): Phục linh, Trạch tả, Trư linh, Bạch truật, Quế chi, Xa tiền tử, Tiểu hồi, Trần bì, Thanh bì đều 10g, Lệ chi hạch, Cát hạch đều 30g,, Binh lang, Ô dược, Mộc hương đều 10g. Sắc uống.

TD: Ôn kinh tán hàn, hành khí, trừ thấp. Trị thủy sán.

Đã trị 4 ca đều khỏi hẳn.

+ Trị Sán Phương (Tứ Xuyên Trung Y 1985, 9): Phật thủ, Binh lang, Lệ chi hạch đều 9g, Hương phụ, Ngô thù du, Tiểu hồi, Cát hạch, Thanh bì đều 6g. Cam thảo 3g. Sắc uống.

TD: Sơ Can, lý khí, tán hàn, chỉ thống. Trị khí sán.

Đã trị 10 ca đều khỏi hẳn.

+ Thủy Sán Thang (Trung Y Tạp Chí 1987, 6): Tiểu hồi 10g, Binh lang, Ô dược, Xa tiền tử, Ngưu tất, Đương quy, Xích thược, Trạch tả đều 5g, Cát hạch 3g, Trư linh, Phục linh đều 6g, Nhục quế (cho vào sau) 3g, Hắc sửu (sao), Bạch sửu (sao) đều 3g. Sắc uống.

TD: Sơ Can, lý khí, ôn kinh, tán hàn, hoạt huyết, lợi thủy. Trị trẻ nhỏ niêm mạc dịch hoàn có nước (thủy sán).

Thường uống 5~10 thang là khỏi.

+ Câu Sán Thang (Cát Lâm Trung Y Dược 1986, 2): Hương phụ, Mộc hương đểu 15g, Sơn tra, Xuyên luyện tử đều 10g, Tam lăng, Nga truật (sao dấm), Khương hoàng, Đởm nam tinh, Thần khúc, Cát hạch đều 5g, Hoàng liên, Ngô thù du, Đào nhân, Chi tử, Lai phục tử đều 2,5g. Sắc uống.

TD: Sơ Can, lý khí, ôn kinh, tán hàn, tiêu viêm, tán kết. Trị phúc cổ câu sán.

Đã trị 21 ca, đều khỏi.

+ Kiện Tỳ Hóa Đờm Thang (Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn): Đảng sâm, Bạch truật, Trạch tả, Cốc nha, Mạch nha, Bán hạ (chế) đều 9g, Trần bì 4,5g, Cam thảo (chích) 3g, Mẫu lệ (nấu trước) 30g, Tiêu Dao Hoàn 9g (uống với nước thuốc sắc).

TD: Kiện Tỳ, hóa đờm, sơ Can, lý khí, trị trẻ nhỏ dịch hoàn ứ nước (thủy sán).

(Cốc nha, Trạch tả kiện Tỳ lợi thủy; Trần bì, Bán hạ hóa đờm; Mẫu lệ thu liễm; Tiêu Dao Tán bổ khí huyết, trị bệnh ở Can Tỳ; Đảng sâm, Bạch truật, Chích thảo ích khí, kiện Tỳ).

Đã trị 33 ca, khỏi hoàn toàn 100%. Uống 1~3 tháng, nhiều nhất là 6 tháng đều khỏi. Sau 6 tháng theo dõi không thấy một ca nào tái phát.

Thuốc Đắp Ngoài

+ Ngô thù du 6g, Mộc qua 10g, Tiểu hồi 12g, Xuyên luyện tử, Cát hạch đều 20g. nghiền nát, chia làm 2 phần, bọc lại. Đem rang cho nóng lên, chườm vào chỗ đau, nguội lại thay bao khác, cứ luân phiên thay đổi hai bao trên. Ngày làm một lần, mỗi lần khoảng 1 giờ (Hồ Bắc Trung Y Tạp Chí 1990, 6).

BỤNG ĐAU

Bụng là một phần cơ thể chứa đựng nhiều cơ quan phức tạp gồm Gan, Lách, Dạ dày, Ruột già, Ruột non, Tử cung, Buồng trứng. Do đó bệnh ở vùng bụng rất khó chẩn đoán. Muốn biết rõ hơn phần nào cần biết qua vị trí các cơ quan trong bụng như sau:

Phân Khu Bụng

Kẻ 2 đường ngang:

. Đường trên qua bờ dưới sườn (điểm thấp nhất).

. Đường dưới qua hai gai chậu trước-trên.

Kẻ hai đường thẳng đứng qua giữa cung đùi phải và trái.

Kết quả chia bụng thành 9 vùng, mỗi tầng có 3 vùng:

Tầng trên: ở giữa là thượng vị (1).

Hai bên là vùng hạ sườn phải (2) và hạ sườn trái (3).

Tầng giữa: ở giữa là vùng rốn (4), hai bên là vùng mạng mỡ phải (5) và trái (6).

Tầng dưới: ở giữa là vùng hạ vị (7), hai bên là hố chậu phải (8) và trái (9).

+ Phần trên phía tay phải của bụng có Gan, Ống dẫn mật, túi mật và Tuỵ tạng.

+ Phần trên phía tay trái của bụng có Dạ dày, Lách, Kết tràng ngang.

+ Phần dưới phía tay phải của bụng có ruột dư.

+ Phần dưới phía tay phải của bụng có trực trường.

+ Phần bụng dưới ở phụ nữ có tử cung, buồng trứng, dây chằng, bộ phận sinh dục, bàng quang, thận.

Dựa vào các vị trí sẵn của cơ thể như trên, khi thấy bệnh nhân đau ở vùng nào, kết hợp dựa vào các huyệt chẩn đoán của hệ thống kinh lạc châm cứu, có thể tạm chẩn đoán ra sự rối loạn ở các tạng phủ liên hệ với vùng đau.

* Bụng đau từ lỗ rốn đến phía dưới hông sườn bên tay phải, có thể nghĩ đến các chứng bệnh sau:

+ Viêm gan, Áp xe gan (nếu ấn đau huyệt Kỳ môn và Can du).

+ Viêm ống dẫn mật, sạn mật, tắc mật, giun chui ống mật (nếu ấn đau huyệt Nhật nguyệt, Triếp cân, Đởm du, Đởm nang huyệt).

* Bụng đau vùng trên, bên phải, dưới hông sườn có thể nghĩ đến:

+ Bao tử đau, bao tử loét (Nếu ấn đau huyệt Trung quản, Vị du).

+ Hành tá tràng loét (nếu ấn đau huyệt Lương môn).

+ Ngộ độc thức ăn.

+ Giun (ký sinh trùng đường ruột).

* Bụng Đau phía dưới tay phải bụng nên nghĩ đến Ruột dư viêm và Lao ruột vì ở khu vực này hầu như chỉ có ruột dư (nếu ấn đau huyệt Lan vĩ). Tuy nhiên đôi khi ở phụ nữ buồng trứng có bệnh cũng có thể đau lan đến vùng này.

* Đau giữa bụng, cơn đau đột ngột, đau dữ dội như kim đâm, đau lan từ giữa bụng ra sau lưng, không bị tiêu chảy, có thể là sạn thận, sỏi bàng quang.

* Đau ở vùng bụng dưới (của Phụ nữ), cần phân biệt”

. Đau bụng khan, không bị băng huyết, có huyết trắng nhiều, chất huyết trắng mầu vàng, có mùi hôi: nên nghĩ đến viêm âm đạo, viêm âm hộ, viêm buồng trứng, viêm cổ tử cung, viêm tử cung.

. Đau bụng khan, bụng mỗi ngày một lớn như có thai nhưng lâu mà vẫn không thấy thai cử động, tắt kinh: có thể là bướu buồng trứng, u nang buồng trứng.

. Đau bụng khan, khó chịu trong tử cung, mỗi lần đụng nhẹ vào bộ phận sinh dục như là giao hợp bệnh nhân cảm thấy đau như có vật gì trong âm đạo, gây chảy máu: có thể là bướu tử cung, ung thư tử cung.

. Đau bụng kèm băng huyết ở phụ nữ có thai khoảng 3 tháng: có thể là muốn sẩy thai, hư thai. Hoặc thai trứng, thai ngoài tử cung.

. Bụng đau trong những ngày hành kinh hoặc những ngày trứng rụng: đây là chứng thống kinh.

Nguyên Nhân Gây Đau Bụng

+ Cảm Ngoại Tà: Hàn, nhiệt, thử, thấp xâm nhập vào bụng khiến cho Tỳ mất chức năng vận hoá, tà khí lưu trệ bên trong làm cho khí cơ bị nghẽn, không thông, gây nên đau bụng. Thiên ‘Cử Thống Luận’ (Tố Vấn 39) viết: “Hàn khí trú ở mạch Quyết âm, mạch Quyết âm vòng quanh âm khí thuộc vào Can. Hàn khí ẩn náu trong mạch thì huyết khó lưu thông, mạch co lại gây nên chứng đau sườn, thiếu phúc đau co rút”.

Hoặc nhiệt tà, thử thấp xâm nhập vào cũng gây nên đau bụng. Hàn tà tụ lại lâu ngày uất hoá thành hoả, nhiệt tích bên trong cũng gây nên đau bụng.

Thiên ‘Cử Thống Luận’ (Tố Vấn 39) viết: “Nhiệt khí lưu ở Tiểu trường thì trong tiểu trường đau”.

+ Ăn Uống Không Điều Độ hoặc ăn những thức không sạch, hoặc ăn nhiều thức béo mỡ, cay nóng khiến cho thức ăn đình trệ không tiêu, nung nấu thành thấp nhiệt, hoặc nhiệt kết ở Trường Vị khiến cho đường ruột không thông, đều có thể gây nên đau bụng.

+ Do Trùng Tích: Trùng tích dẫn đến phúc thống, chủ yếu là giun đũa. Giun thường quấy rối trong ruột, hoặc chui lên ống mật làm cho khí huyết nghịch loạn gây đau.

+ Các Nguyên Nhân Khác: Hoặc thể chất vốn Tỳ dương suy yếu làm cho rối loạn sự vận hoá, hàn thấp đình trệ, khí huyết không đủ để ôn dương cũng dẫn đến đau bụng. Hoặc do tức giận, suy nghĩ quá, Can mất điều đạt, khí huyết bị uất kết, Can Vị không hoà mà làm cho đau. Hoặc sau khi tiến hành bị giải phẫu, cục bộ bị dính làm cho khí trệ huyết ứ cũng gây đau. Hoặc do kết thành sỏi tắc nghẽn, doanh vệ không thông, khí cơ không lợi cũng gây đau.

Biện Chứng

Căn cứ vào nguyên nhân bệnh, vị trí đau, tính chất đau để phân biệt tạng nào, kinh nào bị bệnh, biện chứng hàn nhiệt, hư thực v.v...

Nói chung, bụng đau thuộc nhiệt chứng, thực chứng thường không thích ấn vào, Hàn chứng, hư chứng thường thích xoa bóp. Do trùng tích thì vùng bụng đau dữ dội lúc đau lúc không. Do thực trệ thì vùng bụng cứng, bụng đầy, ấn vào đau. Do khí trệ thì vùng bụng chướng đau, đau không nơi cố định. Do huyết ứ thì vùng bụng đau nhói, nơi đau cố định không di chuyển.

Biện chứng theo bộ vị: bụng dưới hoặc hai bên sườn thuộc kinh Quyết âm, đau ở những vùng này phần nhiều thuộc bệnh ở Can và Đởm. Ở tiểu phúc và quanh rốn thuộc Thiếu âm kinh, đau ở vùng này phần nhiều là bệnh thuộc Tiểu trường, Thận và Bàng quang. Trung quản thuộc kinh Thái âm, đau ở chỗ này phần nhiều là bệnh ở Tỳ Vị.

Triệu Chứng

Trên lâm sàng thường gặp các loại sau:

+ Khí Trệ: Bụng trướng đau không nơi cố định, hoặc đau lan tới thiếu phúc, ngực khó chịu, ợ hơi, thường do tình chí thay đổi mà đau tăng, rêu lưỡi mỏng, mạch Huyền.

Biện chứng: Khí được lưu thông là thuận, khí trệ không thông, không thông thì đau, cho nên vùng bụng trướng khó chịu. Khí cơ thăng giáng không điều hoàø thì đau xiên nhói không cố định, vì thế đau không nơi cố định mà ngực khó chịu, ợ hơi thì dễ chịu, trung tiện được càng đỡ đau. Thiếu phúc (bụng dưới) là vùng thuộc Túc Quyết âm Can kinh, Can khí mất sơ tiết cho nên bụng dưới đau. Khí trệ thường do biến đổi về tình chí cho nên cơn đau cũng tuỳ lúc mà đau tăng. Huyền là mạch của Can, Can khí không thư thái, thì mạch phần nhiều Huyền.

Điều trị: chủ yếu phải thư Can, lý khí. Dùng bài Tứ Nghịch Tán.

(Sài hồ để sơ Can, lý khí, phối hợp với Chỉ thực để có sức phá trệ; Thược dược nhu Can chỉ thống, phối hợp với Cam thảo có tác dụng làm dịu cơn đau gấp).

Nếu đau sườn không khỏi, thêm Huyền hồ, Xuyên luyện tử. Nếu đau không ngớt, táo bón, thêm Sinh đại hoàng, Mang tiêu. Nếu đau bụng, tiêu chảy, thêm Bạch truật, Phòng phong, Mộc hương. Nếu ợ hơi, ứa nước chua, thêm Ngô thù, Hoàng liên. Thiếu phúc đau rút tới dịch hoàn, thêm Lệ chi hạch, Quất hạch, Tiểu hồi.

+ Huyết Ứ: Đau bụng kéo dài không khỏi, có khi đau dữ dội, đau cố định, ấn vào đau, chất lưỡi tím tối, mạch hơi Sắc.

Biện chứng: Đau lâu phạm vào đường Lạc, huyết ứ nghẽn lại cho nên đau có khi dữ dội và nơi đau cố định. Ứ huyết thuộc thực cho nên ấn vào đau hoặc chạm vào cũng đau. Chất lưỡi tím tối, mạch hơi Sắc là dấu hiệu có huyết ứ.

Điều trị: Hoạt huyết khử ứ. Dùng bài Thiếu Phúc Trục Ứ Thang.

(Quy, Khung, Xích thược, Bồ hoàng, Ngũ linh chi, Một dược để hoạt huyết khứ ứ. Phối hợp với Huyền hồ, Tiểu hồi để lý khí).

Nếu ứ ở dưới cách hoặc có khối u, nên thêm Đào nhân, Hồng hoa, Hương phụ và Chỉ xác. Khí trệ với huyết ứ, khí trệ bệnh ở nông, huyết ứ bệnh ở sâu; Lúc đầu khí bị trệ sau đó huyết bị ứ, huyết ứ lại thường kèm khí trệ. Vì vậy, chữa huyết ứ thường dùng thêm thuốc lý khí, làm cho khí lưu thông huyết cũng lưu thông. Điều trị khí trệ cũng có thể thêm thuốc lý khí hoạt huyết, như Uất kim, Huyền hồ, làm cho huyết lưu thông khí cũng lưu thông.

Trên lâm sàng rất ít gặp chứng bệnh khí trệ và huyết ứ đơn thuần; trong biện chứng nên chia rõ chủ, thứ để dùng thuốc. Có khi phải coi trọng lý khí hoặc coi trọng hoạt huyết khác nhau.

+ Nhiệt Chứng

Thường gặp hai loại hình thấp nhiệt và nhiệt kết.

+ Thấp Nhiệt: Phát sốt, đau bụng, chướng bụng, ấn vào đau, ngực khó chịu, biếng ăn, khát nước mà không muốn uống, hoặc tiêu chảy, lý cấp hậu trọng, hoặc hoàng đản, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác hoặc Nhu Sác.

Biện chứng: Thấp nhiệt nung đốt cơ biểu cho nên phát nhiệt, nếu thấp nhiệt tích trệ trong ruột làm mất chức năng truyền đạo thì đau bụng, tiêu chảy kèm theo lý cấp hậu trọng. Thấp nhiệt nung đốt Can Đởm, Đởm trấp đi sai đường thì hoàng đản và đau sườn; Bụng trướng, cự án là do thấp nhiệt kèm có nội kết ứ trệ, nên ngực khó chịu và biếng ăn. Khát nước là nhiệt, vì thấp trọc nghẽn ở trong cho nên không muốn uống. Rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Sác hoặc Nhu Sác đều là dấu hiệu thấp nhiệt tà thịnh.

Điều trị: Thanh lợi thấp nhiệt.

. Thấp nhiệt tích trệ trong ruột, chủ yếu dùng bài Bạch Đầu Ông Thang.

. Thấp nhiệt nung đốt Cam Đởm, chủ yếu dùng bài Nhân Trần Cao Thang.

. Nếu đau bụng, trướng bụng, có thể thêm Huyền hồ, Mộc hương, Hương phụ v.v...

. Nếu nhiệt độc nhiều, sốt cao, khát nước, đau bụng dữ dội, có thể thêm Ngân hoa, Bồ công anh, Thổ phục linh, Đại hoàng v.v...

. Nếu nhiệt độc vào sâu tạng Tâm, vào phần Doanh gây hôn mê nói sảng, nặng hơn thì kinh quyết, có thể thêm An Cung Ngưu Hoàng Hoàn, Tử Tuyết Đơn v.v... Nếu muốn nôn, nôn mửa, không uống nổi thuốc, có thể trước tiên cho uống một ít Ngọc Khu Đơn, sau đó mới cho uống thuốc sắc được.

+ Nhiệt Kết: Đau bụng dữ dội, thành bụng căng cứng, táo bón, không trung tiện, vùng bụng hoặc bên phải bụng dưới sờ vào như có khối u, ấn vào đau, sốt cao, tự ra mồ hôi, nước tiểu ít, đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hồng Sác.

Biện chứng: nhiệt kết ở trong, khí huyết ứ trệ, đường ruột không thông, không thông thì đau cho nên bụng đau dữ dội, thành bụng co cứng, đại tiện táo, không trung tiện. Nhiệt kết trệ không tiêu tan, khiến cho máu thịt vữa nát thành mủ hoặc làm cho công năng truyền đạo ở Vị Trường thất thường, đến nỗi khí huyết bí kết, cho nên vùng bụng hoặc bên phải bụng dưới sờ thấy khối u. Nhiệt kết ở phần lý cho nên cự án. Sốt cao, tự ra mồ hôi, nước tiểu ít, đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hồng Sác v.v... đều là do Vị Trường thực nhiệt.

Điều trị: Chủ yếu phải thanh nhiệt công hạ. Dùng bài ‘Đại Hoàng Mẫu Đơn Thang’.

(Đại hoàng, Mang tiêu chú trọng vào thông phủ tiết nhiệt; Đào nhân, Đông qua tử trừ ứ tán kết, Đơn bì lương huyết giải độc. Có thể thêm Hậu phác, Chỉ thực để tiêu bỉ kết).

Nếu đau bụng hoặc bên phải bụng dưới sờ có khối u và cự án, cũng có thể chọn dùng Sinh Đại hoàng, Hậu phác, Hồng đằng. Bồ công anh; Bên ngoài đắp Đại toán, Mang tiêu, Đại hoàng v.v... Nếu vùng bụng có khối u, không trung tiện, có thể chọn dùng Hậu phác, Lai bặc, Chỉ thực, Sinh đại hoàng và Mang tiêu.

Đau bụng nhiệt chứng thường gặp ở loại đau cấp tính, bệnh thế rất gấp, bệnh tình tiến triển rất nhanh. Khi điều trị cần quan sát chặt chẽ và dùng thuốc kịp thời, khi cần, nên kết hợp với y học hiện đại.

+ Hàn Chứng: Cũng chia hai loại là Hàn thấp và Hư hàn.

+ Hàn Thấp: Sợ lạnh hoặc có khi sốt, đau bụng dữ dội đột ngột, không khát, tiểu tiện trong, ngực khó chịu, biếng ăn, cơ thể nặng, mỏi mệt, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Trầm Khẩn.

Biện chứng: Bên ngoài bị hàn tà làm tổn thương cho nên sợ lạnh hoặc có khi phát sốt. Hàn là âm tà, tính nó co rút, hàn phạm vào trong làm cho dương khí không thông, khí huyết bị nghẽn cho nên đau bụng đột ngột dữ dội. Miệng không khát, tiểu tiện trong là do ở trong có hàn thấp. Thấp trọc nghẽn ở trong, Tỳ dương không mạnh không vận hoá được cho nên ngực khó chịu và biếng ăn, cơ thể nặng, mỏi mệt, đại tiện lỏng, Rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Trầm Khẩn là dấu hiệu hàn thấp tà thịnh.

Điều trị: Tán hàn, táo thấp, phương hương hoá trọc. Dùng bài Hoắc Hương Chính Khí Tán.

(Trong bài dùng Hoắc hương để phương hương hoá trọc, phối hợp với Tử tô, Bạch chỉ để tán hàn, táo thấp; Hậu phác, Đại phúc bì để táo thấp trừ đầy; Phục linh, Bạch truật kiện Tỳ hoá thấp).

Nếu là bệnh nhẹ, cũng có thể dùng viên Hoắc Hương Chính Khí ngày 3 lần mỗi lần uống 4 viên. Nếu mùa Hạ ăn uống không điều độ làm tồn thương Tỳ Vị gây muốn nôn, nôn mửa, phát sốt không lui, có thể thêm Ý dĩ nhân, Bạch khấu nhân, Sa nhân, Biển đậu y. Nếu mùa hạ tà xâm phạm phần biểu, sợ lạnh không mồ hôi, có thể thêm Hương nhu, Đại đậu quyển.

+ Hư Hàn: Đau bụng liên miên, lúc đau lúc không, ưa nóng sợ lạnh, khi đau ưa xoa bóp, khi đói hoặc mệt nhọc đau tăng, đại tiện lỏng, kèm theo mỏi mệt, hơi thở ngăn, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch Trầtn Tế.

Biện chứng: Đau bụng liên miên lúc đau lúc không, ưa nóng, sợ lạnh, khi đau ưa xoa bóp... đều là dấu hiệu hư hàn. Tỳ dương không mạnh cho nên đại tiện lỏng, ớn lạnh. Trung khí bất túc cho nên mỏi mệt, hơi thở ngắn. Lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Tế cũng thuộc triệu chứng hư hàn.

Điều trị: Cam ôn ích khí, trợ dương tán hàn. Dùng bài Tiểu Kiến Trung Thang.

(Trong bài có Quế chi phối hợp với Cam thảo để hoà lý, làm dịu cơn đau cấp tính. Nếu khí bất túc, thêm Hoàng kỳ để bổ khí; Huyết bất túc thêm Đương qui để dưỡng huyết. Nếu hư nghiêm trọng, đau bụng không đỡ. Có thể thêm Xuyên tiêu, Can khương hoặc Cao lương khương, Hương phụ để ôn trung tán hàn. Nếu trong rốn đau không chịu nổi, thích nóng và thích xoa bóp là Thận khí hư hàn, nên ôn Thận thông dương bằng các vị Phụ tử, Can Khương, Cam thảo và Thông bạch. Nếu bụng dưới lạnh đau hoặc 'co rút, rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Khẩn là hạ tiêu bị nhiễm lạnh, khí của Quyết âm không sơ tiết, nên ôn Can tán hàn, dùng các vị Nhục quế, Tiểu hồi, Ô dược, Trầm hương. Nếu trong bụng đau như cắt, trong ngực và bụng nghịch đầy, nôn mửa là hàn tà nghịch lên, dùng Phụ tử, Bán hạ, Cam thảo, Đại táo, Ngạnh mễ để ôn trung hoà giáng.

+ Thực Trệ: Vùng bụng trướng đầy, đau và cự án, không thích ăn, ợ hăng, nuốt chua, muốn nôn, nôn mửa, táo bón hoặc tiêu lỏng, rêu lưỡi nhớt, mạch Hoạt Thực.

Biện chứng: Thức ăn cũ ứ đọng ở Vị Trường làm cho vùng bụng chướng đầy. Thực trệ thuộc thực chứng cho nên bụng đau, cự án. Ăn uống không điều độ, làm tổn thương Tỳ Vị cho nên ợ hăng, nuốt chua. Thức ăn tích chứa ở trong, Tỳ khí không thăng được, vị khí không giáng được, nên mới muốn nôn, nôn mửa, táo bón hoặc tiêu lỏng. Rêu lưỡi nhớt là triệu chứng thấp nghẽn trở và thực trệ. Mạch Hoạt là hiện tượng thực tích.

Điều trị: Hoà trung tiêu thực. Dùng bài Bảo Hoà Hoàn; Đây là phương thuốc tiêu thực hoá trệ, cũng có thể thêm các vị Mạch nha, Cốc nha, Kê nội kim.

Nếu vừøa mửa vừa tiêu chảy, có thể thêm thuốc phương hương hoá trọc như Hoắc hương, Bội lan. Nếu đầy bụng mà táo bón, có thể theo phép công hạ thông phủ như dùng các vị Hậu phác, Chỉ thực, Đại hoàng.

+ Trùng Tích: Bụng lúc đau, lúc không, vùng Vị quản nôn nao khó chịu, mặt vàng, cơ nhão, hoặc ngứa lỗ mũi, nghiến răng khi ngủ, phía trong môi có nốt như hạt tấm hoặc trên mặt có vết lang trắng. Cũng có khi đau bụng dữ dội đột ngột, sờ vào thấy khối u, hoặc đau dữ dội ở sườn, thậm chí vã mồ hôi, lạnh chân tay thành chứng Quyết, nôn mửa ra giun đũa. Cũng có khi đau và cự án vùng bụng phải và đùi phải co lại không duỗi ra được.

Biện chứng: Giun đũa quấy rối ở trong làm trong bụng nôn nao và đau. Giun yên thì đỡ đau. Giun ở trong ruột, hút chất tinh vi thuỷ cốc làm hại khí huyết cơ thể cho nên mặt vàng, gầy ốm. Kinh Thủ Dương minh Đại trường đi vào hàm răng dưới, vòng quanh môi đi kèm bên lỗ mũi; Đường kinh Túc Dương minh Vị bắt đầu từ mũi đi vào hàm răng trên. Giun ở Trường Vị do thấp nhiệt quấy rối theo đường kinh lạc nên nghiến răng, ngứa mũi, trong môi có nốt nhỏ. Hai đường kinh đều đi qua má, cho nên má có lang trắng. Tính của giun ưa kết tụ kín đáo, thích ngoi lên tụ lại thành khối làm nghẽn ruột, bế tắc không thông cho nên bụng có khối u, đau dữ dội. Nếu xuyên vào ruột thừa thì đau bụng bên phải, ấn vào đau; Đau thì làm cho gân mạch co rút lan toả xuống chi dưới, cho nên chân co lại mà không duỗi ra được. Vì giun chui vào ống mật, cho nên đau dữ dội ở sườn phải.

Điều trị: Chủ yếu khu trùng, tiêu tích. Dùng bài Sử Quân Tử Thang. Là bài thuốc khu trùng. Khổ luyện tử có thể đổi làm vỏ rễ Khổ luyện, có tác dụng trừ giun đũa rất tốt. Nếu giun chui vào ống mật, nên dùng Ô Mai Hoàn. Trong bài dùng Ô mai có vị chua Hoàng liên, Hoàng bá có vị đắng, giun đũa gặp chua thì yên, gặp đắng thì tụt xuống, lại dùng các vị Phụ tử, Can khương, Quế chi, Tế tân v.v... Vị cay để tán kết, tính ấm để giảm đau đồng thời có thể dùng loại thuốc tẩy giun. Nếu phát sốt, rêu lưỡi vàng nhớt, là do cảm nhiễm thấp nhiệt, nên dùng Hoàng liên, Sơn chi; Nặng hơn có thể dùng Hoàng liên, Hoàng Bá. Nếu thấp nhiệt ủng thịnh, xuất hiện hoàng đản, thêm Nhân trần, Đại hoàng v.v... Nếu giun kết lại thành búi, thành khối, có thể cho uống 60 - 100ml dầu Mè hoặc dầu Phộng sau đó mới cho uống thuốc tẩy giun.

Các loại chứng trên đây trong lâm sàng có thể chuyển hoá nhân quả lẫn nhau, xuất hiện xen kẽ, ví dụ khí trệ có thể dẫn đến ứ huyết; Huyết ứ có thể ảnh hưởng đến sự lưu thông của khí cơ; Hàn uất có thể hoá nhiệt, nhiệt chứng có thể cùng xuất hiện cả hàn chứng; Trùng tích thấy kiêm cả thực trệ, thực trệ lại có lợi cho giun ký sinh. Vì vậy trong biện chứng luận cần phải nắm chứng trạng chủ yếu, vấn đề đột xuất chủ yếu, để cùng phân tích sau đó mới tiến hành sử phương dùng thuốc.

BỆNH ÁN BỤNG ĐAU

(Trích trong ‘Trung Y Lâm Sàng Chẩn Liệu Bách Khoa Toàn Thư’)

Nguỵ X, 11 tuổi, nữ.

Bệnh sử: Trước đây tám hôm thấy đau ở rốn, còn có thể chịu được, bốn hôm tiếp theo thấy chỗ đau chuyển đến bên phải, bụng dưới đau từng cơn, kèm theo muốn nôn, nôn mửa, về chiều phát sốt, đại tiện lỏng, ngày hai ba lần.

- Kiểm tra: Tình trạng cấp tính. Sốt 40oC, Mạch Huyền Sác, nhịp mạch 144 lần/phút. Chất lưỡi đỏ nhợt, rêu lưỡi vàng nhớt. Thành bụng bình thường, bụng dưới có điểm ấn đau nhẹ, ở bên phải bụng dưới có điểm ấn đau hơn, lớp da căng, toàn vùng bụng dưới có phản ứng đau, nghe thấy tiếng sôi bụng, Bạch cầu 34.200, Trung bình 88%. Chẩn đoán là thủng ruột thừa trên bệnh cảnh Viêm phúc mạc mạn tính.

- Dùng thuốc: Kim ngân hoa 80g, Bồ công anh 40g, Đại Hoàng 32g, Đơn bì 20g, Mộc hương 12g, Xuyên luyện tử 12g, Sinh cam thảo 12g, Đông qua nhân 40g. Sau khi vào viện được 1 ngày sốt bắt đầu giảm; Sang ngày thứ 2 giảm đau bụng, Số lần đại tiện nhiều hơn, cho đến ngày thứ 3. Sang ngày thứ 4 hết đau bụng, lớp da cũng hết căng cứng. Nằm viện 5 ngày thì khỏi và ra viện. Trước khi ra viện kiểm tra Bạch cầu còn 10.700; nhiệt độ bình thường, ăn uống tốt.

Nhận xét: Sốt cao không giảm, đau bụng cự án, rêu lưỡi vàng, nhớt, mạch Huyền Sác đó là Vị Trường thực nhiệt, nên dùng Đại Hoàng Mẫu Đơn Thang gia giảm để thanh nhiệt công hạ, phối hợp với Kim ngân hoa Bồ Công Anh để tăng cường tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Trần X, nam, 43 tuổi.

Bệnh sử: Hai ngày nay đau vùng trên và giữa bụng có từng cơn đau dữ dội, đi bệnh viện. Muốn nôn, nôn mửa, ngực bụng trướng đầy, mình nặng, phát sốt, táo bón, nước tiểu vàng đỏ.

Xét nghiệm Tình trạng cấp tính, nhiệt độ 38,5oC. Vùng bụng trên có điểm ấn đau, lớp cơ không có cảm giác đau và mức độ căng thẳng, Mạnh Huyền Sác, rêu lưỡi vàng nhớt, chất lưỡi hơi đỏ, trong nước tiểu có cặn vẩn đục. Chẩn đoán là Viêm tuyến tuỵ cấp tính.

- Y án: Vùng bụng đau mà chướng đầy, lúc nóng lúc lạnh, cơ thể nặng nề, mệt mỏi, muốn nôn, nôn mửa, táo bón, nước tiểu đỏ, mạch Huyền Sác, rêu lưỡi vàng nhớt... Đó là Thiếu Dương, Dương minh đồng bệnh. Điều trị bên ngoài phải giải Thiếu dương, bên trong phải thanh nhiệt kết, cho uống Đại Sài Hồ Thang gia giảm. Dùng Sài hồ 12g, Hoàng cầm 12g, Hoàng liên 4g, Hậu phác 12g, Bán hạ 12g, Chỉ xác 6g, Mộc hương 12g, Sinh đại hoàng (cho vào sau) 12g, Mang tiêu 12g. Sau khi uống 4 thang theo đơn trên, hết đau bụng, đại tiện dễ, thể ôn bình thường, các xét nghiệm cùng kết quả bình thường, cho xuất viện.

- Nhận xét: Các chứng nóng rét qua lại, muốn nôn, nôn mửa, dùng các vị Sài Hồ, Bán hạ, Hoàng cầm để hoà giải Thiếu dương. Phần lý có thực nhiệt, bụng đầy và đau, táo bón, nước tiểu đỏ, cho nên dùng Đại hoàng, Mang tiêu để tả bỏ nhiệt kết. Phối hợp với Hoàng liên, Hoàng cầm để tăng cường tác dụng khổ hàn tiết nhiệt. Dùng Chỉ xác, Mộc hương để lý khí, chỉ thống.

Đỗ X, nam, 33 tuổi. Bị bệnh loét đường tiêu hoá đã 8 năm, nằm viện điều trị vài lần. Chụp phim xác định loét Dạ dày tá tràng. Mấy tháng gần đây do ăn uống thất thường, bệnh tình nặng hơn, nhất là khi đói đau nhiều, ăn vào thì đỡ đau, ban đêm đau nhiều xiên ra sau lưng, ăn thức sống lạnh càng đau. Khi đau có cảm giác sợ lạnh, thích nóng thích xoa bóp, mệt mỏi, hơi thở ngắn, ăn không ngon, khi đau có cảm giác buồn nôn, nôn ra nước chua, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch Tế.

Dùng Hoàng kỳ (nướng) 12g, Quế chi 12g, Bạch thược 16g, Bào khương (tro) 4g, Ô tặc cốt 40g, Thần khúc 12g, Toàn phúc hoa 12g, Cam thảo (nướng) 12g, Ngoã lăng nung 20g, Mạch nha 16g, Khương bán hạ 12g. Sau khi uống 5 thang đơn trên, các triệu chứng giảm nhẹ. Dựa theo đơn thuốc cũ có gia giảm; uống 18 thang, khỏi bệnh.

- Nhận xét: Cơn đau thường xảy ra khi đói, ăn vào thì giảm đau, sợ lạnh, thích ấm, thích xoa bóp, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch Tế... là dấu hiệu Tỳ Vị hư hàn. Điều trị theo hướng ôn trung kiện Tỳ, ức chế nước chua. Dùng Bán hạ, Toàn phúc hoa

để giáng nghịch, khỏi nôn; Thần khúc, Mạch nha để tiêu đạo hoà trung.

Từ X, nữ, 42 tuổi.

Khám lần đầu: Phía bên phải bụng và rốn đau xiên nhói, bệnh đã vài năm, đại tiện khó đi, ngực khó chịu, biếng ăn, đêm ngủ không yên, chất lưỡi bệu, gốc lưỡi nhớt, mạch Tế, trước đây có lần ra giun đũa rất nhiều, ăn uống không đều, Tỳ Vị bị tổn thương; thấp trệ không hoá được tạo điều kiện cho giun sinh sống. Khí cơ trong ruột không hoá làm cho sự truyền đạo bị trở ngại; nên theo phép dùng thuốc cay đắng và chua để sát trùng, dựa theo tinh thần bài Ô Mai Hoàn. Dùng Tô ngạnh 12g, Chế hương phụ 12g, Xuyên tiêu 6g, Kim linh tử (nướng) 12 g, Hạc sắt 8g, Tân lang 12g, Chỉ thực sao 12g, Trần bì 6g, Thanh bì 6g, Ô mai nướng 4g. Cho uống 5 thang.

Khám lần 2: Vị trường không hoà, sự tuyên thông giáng khí mất bình thường, ăn kém ngon, đại tiện khô, vùng bụng và rốn đau ngày vài lần. Sau khi uống thuốc tình trạng đau có giảm nhẹ, sắc mặt tối trệ, gốc lưỡi nhớt chưa sạch, ven lưỡi tía, mạch Tế, giống như có hiện tượng huyết ứ. Dùng thuốc theo phép hoà Vị, nhuận trường, lý khí hoá ứ.

Nhục quế tâm 2g, Nhũ hương (chích) 4g, Trầm hương 12g, Một dược (chích) 4g,Trần bì 6g, Đại phúc bi 8g, Mộc hương 6g, Đại ma nhân 16g, Chỉ xác (sao) 6g, Tử đan sâm 12g, Xích thượùc 12g, Ngoạ lăng (nung) 24g, Cam thảo nướng 6g.

Khám lần 3: Sau khi uống 7 thang đơn trên, bụng đỡ đau sáu phần mười, khi đau nghiêng về bên phải, vùng ngực bụng có cảm giác nóng và đau nhói, chất lưỡi xanh tía, gốc lưỡi rêu mỏng nhớt, mạch Tế hơi Hoạt, đại tiện khô, ăn khá hơn. Bệnh kéo dài đã 8 năm, hàn khí ngoan cố kết ở trong, lại kèm trùng tích, từ khi điều trị đến giờ, giun rút, hàn tan, ứ trọc chưa sạch, tiếp tục theo phép ôn thông tuyên hoá, hoà vị, thông trung tiêu. Dùng đơn trên bỏ Chỉ xác, Đại phúc bì, Nhục quế tăng lên thành 3g, lại thêm Giới bạch 6g, Đào nhân 12g.

- Khám lần thứ tư: Sau khi uống 7 thang đơn trên, đau bụng đã giảm bảy tám phần mười, ăn uống bình thường, quá thời kỳ kinh nguyệt, ven lưỡi tía, ngực khó chịu chưa hết, vẫn điều trị theo phép cũ. Nhục quế tâm 3g, Trầm hương 12g, Ô dược 12g, Uất kim 12g, Kinh tam lăng 12g, Giới bạch đầu 12g, Qua lâu bì 12g, Tử đan sâm 12g, Đào nhân 12g, Ngoạ lăng nung 34g.

Nhận xét: Bệnh án này đau vùng bụng và rốn đã 8 năm chủ yếu do âm hàn ngưng kết, khí trệ huyết ứ gây nên, ngoài ra còn có cả giun đũa. Đối với chứng trầm hàn cố lãnh này, không thể đơn thuần nghĩ tới âm hàn phải đồng thời trừ ứ, ứ trừ được thì khí không trệ, khí không trệ thì âm hàn tự tan đi mới khỏi đau, cho nên trước tiên dùng Ô mai để làm yên giun làm chủ yếu, tình thế đau giảm bớt, tiếp tục theo phép ôn tán âm hàn lý khí khứ ứ làm chủ yếu, cơn đau làm giảm đi bảy tám phần; cuối cùng tiếp tục điều trị thêm vài thang, đã hành kinh, trước sau chữa chạy hơn một tháng, các chứng khỏi hết.

BƯỚU CỔ

A- Đại Cương

Bướu cổ đơn thuần là một bệnh to tuyến giáp thường do thiếu iot, hay gặp ở một số vùng nhất định (thường ở miền núi) nên còn gọi là bướu cổ địa phương, nữ mắc bệnh nhiều. Có khi làbướu cổ tán phát. Trong một số trường hợp, bướu cổ là phản ứng của tuyến giáp đối với sự mất cân bằng của nội tiết tuyến giáp.

Bướu cổ đơn thuần thường chia làm 2 loại: địa phương tính (tập trung ở một số vùng nhiều người mắc) và tản phát tính (nơi nào cũng có người mắc, thường gặp nhiều ở lứa tuổỉ trưởng thành, lúc có thai, cho con bú và thời kỳ tắt kinh.

Bướu cổ đơn thuần thuộc chứng "Anh" trong y học cổ truyền. Y văn cổ Trung Quốc trên 300 năm trước công nguyên đã có ghi về bệnh này như sách "Trửu Hậu Phương" đầu tiên đã ghi dùng Hải tảo (có iốt) để trị chứng ‘Anh’. Sách "Ngoại Đài Bí Yếu" đời Đường ghi 36 bài thuốc trị chứng 'Anh" trong đó 27 bài gồm các vị thuốc có chất iốt.

B- Nguyên Nhân Bệnh Lý Theo Y Học Cổ Truyền

+ Bướu cổ địa phương: Do thiếu iốt. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như di truyền, thiếu một số thức ăn khác, điều kiện vệ sinh kém... nên tuy cùng sống một địa phương mà cũng chỉ một số mắc bệnh (mặc dù qua kiểm tra tất cả người dân trong vùng đều có tuyến giáp khát iốt (gắn iốt phóng xạ tăng).

+ Bướu cổ tán phát: gặp ở nữ nhiều hơn. Nhiều học giả cho là do phản ứng của tuyến giáp, hoặc bài tiết không đủ, hoặc do nhu cầu tăng, nội tiết tuyến giáp không dủ, tuyến làm việc tăng (phản ứng bù trừ) làm cho tổ chức tuyến tăng sinh phì đại. Những yếu tố có liên quan:

* Dị hình bẩm sinh nội tiết: hấp thụ các yếu tố kháng giáp có trong thức ăn hoặc do thuốc. Thường kèm với suy giáp kéo dài hoặc thoáng qua.

* Tăng nhu cầu nội tiết giáp: tuổi dậy thì, có thai, tắt kinh. Cũng có trường hợp chưa rõ nguyên nhân. Y học cổ truyền cho rằng bệnh ANH phát sinh là do liên quan với đất nước nơi ăn ở và tình chí (trạng thái tinh thần) thay đổi. Sách ‘Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận’ viết: "Vùng núi đất đen có nguồn nước chảy ra không thể sống lâu ở đó, ăn uống nước đó dễ mắc bệnh "anh".

Sách ‘Ngoại Đài Bí Yếu’ cũng ghi: "Người vùng Trường An... uống nước cát dễ mắc bệnh anh”.

Sách ‘Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận’ ghi về tình chí có liên quan đến bệnh như sau: "Bệnh "anh" là do lo lắng nhiều, khí kết mà sinh ra"..

Bệnh lý chủ yếu là đàm thấp, khí trệ: Người bệnh có tỳ khí kém, thêm ảnh hưởng của thức ăn nước uống làm cho đàm thấp nội sinh, đàm thấp sinh nhiều càng tăng thêm khí trệ mà sinh bệnh. Hoặc do tức giận, thướng can, can khí không thông đạt, uất nên sinh đờm, đờm khí kết ở cổ mà sinh bệnh. Đàm thấp và khí trệ là hổ tương nhân quả cho nên khối u ngày càng to thêm. Cũng do can chủ sơ tiết, mà 2 mạch Xung, Nhâm liên hệ nhiều với kinh can, do đó, phụ nữ có kinh, thai nghén cho con bú đều liên quan đến khí huyết của can, những lúc đó dễ mắc bệnh.

C- Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng chủ yếu là to tuyến giáp.

Thể tán phát gặp nhiều ở nữ ở tuổi dậy thì, có thai, cho con bú, lúc tắt kinh thường to hơn và qua những kỳ đó tuyến lại nhỏ hơn. Thường tuyến giáp to nhẹ tản mạn, chất mềm và trơn láng. Đến tuổi trung niên về sau, bướu có thể cứng và có nốt cục.

Bướu cổ địa phương tính to nhỏ không chừng (rất nhỏ hoặc rất to). Theo độ to nhỏ có thể chia:

Độ l: Nhìn kỹ có khi phải nhìn nghiêng mới phát hiện hoặc phải sờ nắn.

Độ 2: Nhìn thẳng đã thấy to.

Độ 3: Bướu quá to.

Đôi khi bướu ở vị trí đặc biệt hoặc bị chèn ép khó chẩn đoán.

Bướu giáp chìm: Bướu ở cổ nhưng trong lồng ngực sau xương ức. Bướu làm khó chịu mỗi khi nuốt và thở. Bướu trong lồng ngực, X quang thấy như một u trung thất.

Bướu dưới lưỡi: Gặp ở phụ nữ, ở đáy lưỡi làm cho khó nhai, khó nuốt và khó nói.

Bướu cổ mới bắt đầu nhỏ mặt bóng nhẵn, về sau có thể to nhỏ không chừng, cứng thành cục hoặc nang, bề mặt có thể có tĩnh mạch nổi còng quèo. Trường hợp quá to sẽ có hiện tượng chèn ép như nếu chèn ép khí quản sinh ho, khó thở, vướng cổ, chèn ép thực quản thì nuốt khó, chèn hầu họng thì khàn giọng... Có khi xuất huyết trong nang gây đau và bướu to đột ngột.

D- Chẩn đoán

Chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng (như trên đã mô tả).

- Xét nghiệm: Chuyển hóa cơ bản bình thường, iốt - protein trong huyết tương bình thường. Tỷ suất gắn iốt phóng xạ rất tăng trong bướu giáp địa phương tính nhưng gần như bình thường trong bướu giáp tản phát.

Khi thấy bướu cứng không đau có nhân, cần cảnh giác ung thư, nên làm giáp đồ bằng phóng xạ và làm sinh thiết.

E- Điều trị

Biện chứng luận trị theo YHCT:

Thường điều trị theo 2 thể bệnh sau:

l) Thể khí trệâ:

Chứng: Bướu cổ to thường tăng lên lúc tức giận, lúc có kinh hoặc có thai. Bụng đầy sườn đau, bụng dưới đau, rêu mỏng, mạch Huyền.

Phép trị: Lý khí, giải uất.

- Bài thuốc: Tứ Hải Thư Uất Hoàn thêm Hương phụ, Uất kim (Hải cáp phấn 8g, Hải đới 30g, Hải tảo 30g, Hải phiêu tiêu, Côn bố đều 20g - 30g, Trần bì 8g, Mộc hương, Hương phụ, Uất kim đều 12g.

Trường hợp khí uất hóa hỏa, ngườỉ phiền táo, dễ tức giận, hồi hộp mất ngủ, nhiều mồ hôi, tay run: thêm Đơn bì, Sơn chi, Liên tử tâm, Hoàng liên, Hạ khô thảo, Long đởm thảo.

2) Thể đàm thấp

Chứng: Bướu cổ to, chân tay mệt mỏi, buồn ngủ, ngực tức, kém ăn, bụng đầy, lưỡi bệu, rêu lưỡi dày, mạch Hoạt.

Phép trị: Hóa đàm, nhuyễn kiên, kiện tỳ, trừ thấp.

Bài thuốc: Lục Quân Tử Thang Hợp Hải Tảo Ngọc Hồ Thang gia giảm (Hải tảo, Hải đới, Côn bố đều 30g, Trần bì, Bán hạ, Xuyên khung đều 8g, Đương qui, Đảng sâm, Bạch truật, Bạch linh, Triết Bối mẫu đều 12g, Cam thảo 4g).

Gia giảm: Chân tay lạnh, sợ lạnh thêm Nhục quế 3 - 4g, Phụ tử (chế) 6 - 10g, bướu to có cục gia Đơn sâm 12g, Hương phụ (chế) 10g, Đào nhân 10g, Hồng hoa 6g.

2. Một Số Bài Thuốc Đơn Giản.

l) Hải đới 100g, sắc uống mỗi ngày ăn luôn bã.

2) Hải tảo, Côn bố lượng bằng nhau tán bột mịn luyện mật làm hòan, mỗi lần uống 10 - 20g ngậm nuốt, sau bữa cơm tối. Có thể dùng lâu dài.

3) Hải tảo, Côn bố lượng bằng nbau, Thanh bì lượng l/3 của Côn bố, sao vàng tán bột làm hòan. Mỗi ngày uống 10g sau bữa ăn tối. Uống lâu dài.

4) Uất kim, Đơn sâm, Hải tảo đều 15g. Sắc uống ngày 1 thang, có thể cho đường uống thường xuyên, liên tục trong 3 - 4 tuần. Dùng cho thể khí huyết ứ trệ.5) Hải đới 60g, Đậu xanh 150g. Nấu chín, cho đường ăn hàng ngày.

6) Côn bố, Hải tảo, Đậu nành 150 - 200g.

Nấụ chín hoặc thêm đường để ăn thường xuyên.

7) Hạt khô thảo 30g, Hải tảo 60g, sắc uống.

8) Triết Bối mẫu, Hảỉ tảo, Mẫu lệ đều 12g, tán bột mịn, trộn đều. Mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần. Uống trước khi ăn với rượu trắng.

9) Bạch thược 15g, Huyền sâm 9g, Hạ khô thảo 30g, Hải phù thạch 30g, Hương phụ (chế) 12g, Bạch giới tử 12g. Sắc uống. Thêm Cương tàm 12g, Trạch tả 15g, Thất diệp nhất chi hoa 20g, kết quả càng tốt.

10) Mẫu lệ, Hải tảo, Côn bố, Bạch tật lê, Bạch thược, Sinh địa, Huyền sâm, Kỷ tử, Sung úy tử lượng bằng nhau. Tất cả tán bột mịn cho mật làm hoàn IOg.

Mỗi ngày uống 2 - 3 hoàn với nước sôi nguội.

11) Hà thủ ô 20g, Ô mai 10g, Côn bố 15g. Sắc uống.

12) Lá Sinh địa (Sinh đia diệp), Hạ khô thảo 30g, Sơn tra 20g, sắc uống.

 


Tổng lượt xem: 304992
Lượt xem trong tháng: 4106
Lượt xem trong ngày: 209
Đang xem: 6

 

 
Dan Phuong传统东方医学产品 
网站内容仅供参考
未经医生同意,患者不得擅自使用该信息进行治疗
版权所有 © 2014 属于 Dan Phuong传统东方医学
地址: