PHẦN 3

PHONG CHẨN

Xuất xứ: Sách ‘Y Môn Bổ Yếu’.

Là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ còn bú.

Bệnh thường lành tính, khỏi nhanh, ít biến chứng.

Còn gọi là Phong Sa, Phong Ẩn, Ẩn Chẩn.

Từ đời nhà Tống, nhà Nguyên trở về trước, hễ cứ thấy phát ban đều gọi là Chẩn Tử. Đến đời nhà Minh, nhà Thanh trở về sau mới đề cập đến việc nổi ban do truyền nhiễm. Tuy nhiên triệu chứng lâm sàng và phương pháp điều trị được đề cập đến còn quá ít. Thí dụ như sách ‘Sa Chứng Minh Biện’ viết: “ Phong chẩn…do cảm thụ phong nhiệt gây nên. Dùng phép thanh lương giải biểu…”

Thường dễ lẫn lộn với Ban sởi.

Có thể chẩn đoán phân biệt như sau:

 

SỞI

PHONG CHẨN

Thời kỳ nung bệnh

7 – 14 ngày

14 – 21 ngày

Giai đoạn tiền khởi

3 – ngày, Sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, sợ ánh sáng, tinh thần mỏi mệt.

0, 5 – 1 ngày. Sốt, viêm đường hô hấp trên rất nhẹ.

Quan hệ giữa nốt chẩn và sốt

Sốt cao nhất lúc sởi mọc, lúc sởi đã mọc đều sốt nhưng hạ dần.

Ban chẩn mọc sốt vẫn nhẹ.

Đặc điểm vết ban chẩn

Ban chẩn nổi ở da từng nốt đám to nhỏ không đều, giữa nốt sởi có khoảng da bình thường.

Mọc từ sau tai, đầu, mặt trước.

Nốt chẩn nhỏ, mọc ở mặt trước rồi mới lan ra toàn thân.

Mầu hồng nhạt.

Da ở giai đoạn phục hồi

Ban chẩn từ đỏ tươi chuyển sang mầu thâm, có vẩy nhỏ.

Không có tróc vẩy ở da.

Triệu chứng đặc trưng

Nốt Koplick – Filatov.

Sưng hạch lâm ba sau tai và gáy.

Nguyên Nhân

Do phong nhiệt và khí huyết tương tranh nhau, đẩy ra bên ngoài biểu, gây nên nốt ban, ngứa. Ôn tà xâm nhập vào Phế và phần Vệ gây nên hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt. Chủ yếu là do phong nhiệt, thời tà xâm nhập vào bì phu gây nên.

Triệu Chứng

+ Tà Xâm Nhập Phế Vị: Sốt, sợ lạnh, ho, sổ mũi. Một hai ngày sau, da nổi lên những nốt ban đỏ, từ đầu mặt xuống thân thể, vùng sau tai có hạch to, ban mọc ra thì ngứa, lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi hơi trắng, mạch Phù Sác, chỉ tay ngón trỏ đỏ tím.

Điều trị: Sơ phong thanh nhiệt. Dùng bài

. Ngũ Vị Tiêu Độc Ẩm gia giảm: Kinh giới, Thuyền thoái, Thăng ma, Xích thược đều 6g, Phòng phong, Ngưu bàng tử (sao), Liên kiều, Cam thảo (sống) đều 10g, Vỏ đậu xanh 15g, Đại thanh diệp 4,5g (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).

. Ngân Kiều Tán gia vị: Ngân hoa, Liên kiều, Hoàng cầm, Ngưu bàng tử, Đại thanh diệp, Bạc hà, Cát cánh, Cam thảo, Thuyền thoái, Cương tằm.

(Ngân hoa, Liên kiều, Hoàng cầm, Ngưu bàng tử, Đại thanh diệp để thanh nhiệt giải độc; Bạc hà, Thuyền thoái, Cương tằm sơ phong thanh nhiệt, thấu chẩn; Cát cánh, Cam thảo thanh hầu lợi yết (Trung Y Cương Mục).

+ Nhiệt Thịnh: Sốt cao, khát, phiền táo, tiểu ít, nước tiểu đỏ, táo bón, vết ban mầu đỏ tươi hoặc tá tối, ngứa, ăn vào thì trướng bụng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng bệu, mạch Sác có lực. Chỉ tay (ngón trỏ) mầu đỏ xuyên suốt vùng Khí quan.

Điều trị: Thanh nhiệt, lương huyết, giải độc. Dùng bài:

. Thấu Chẩn Lương Giải Thang gia giảm: Kinh giới, Bạc hà (cho vào sau), Thuyền thoái đều 6g, Tang diệp, Cúc hoa, Liên kiều, Ngưu bàng tử, Địa đinh đều 10g, Ngân hoa, Xích thược đều 12g (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).

. Thấu Chẩn Lương Giải Thang gia vị: Tang diệp, Bạc hà, Ngân hoa, Liên kiều, Đại thanh diệp, Ngưu bàng tử, Thuyền thoái, Tử thảo, Xích thược, Đơn bì, Sinh địa.

(Tang diệp, Bạc hà sơ phong thanh nhiệt; Ngân hoa, Liên kiều, Đại thanh diệp để thanh nhiệt giải độc; Ngưu bàng tử, Thuyền thoái thanh nhiệt, lợi hầu; Tử thảo, Xích thược, Đơn bì, Sinh địa thanh vinh tiết hỏa, lương huyết thấu chẩn (Trung Y Cương Mục).

Một Số Bài Thuốc Đơn Giản

+ Ngân hoa, Cương tằm đều 10g, Bản lam căn 30g, Cam thảo 3g. Sắc uống thay nước trà trong ngày (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).

+ Lô căn 30~60g, Trúc diệp tâm 30g. Sắc uống thay nước trà trong ngày (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).

+ Bản lam căn 15g, Thuyền thoái 6g, Cam thảo 4g. Sắc uống thay nước trà trong ngày (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).

Một Số Bài Thuốc Kinh Nghiệm

+ Trị Phong Đơn Phương (Cung Chí Hiền Lâm Sàng Kinh Nghiệm Tập): Đan sâm 24g, Đương quy 9g, Sinh địa, Huyền sâm, Xích thược đều 10g, Phòng phong 6g, Ma hoàng 5g, Kinh giới huệ 6g, Trạch tả, Liên kiều đều 12g, Thổ phục linh 24g, Ích mẫu thảo 12g, Nhân trần 10g.

TD: Lương huyết, giải độc, khứ phong thắng thấp. Trị phong chẩn.

(Ích mẫu thảo hoạt huyết, khứ ứ; Đương quy bổ huyết hòa huyết; Sinh địa, Huyền sâm, Xích thược thanh nhiệt giải độc, lương huyết; Phòng phong, Ma hoàng, Kinh giới huệ sơ tán phong tà; Liên kiều, Thổ phục linh thanh nhiệt, giải độc; Nhân trần, Trạch tả lợi thấp).

+ Sơ Phong Thanh Giải Thang (Tứ Xuyên Trung Y 1986, 7): Kinh giới, Phòng phong, Thuyền thoái, Liên kiều, Tử hoa địa đinh, Địa phu tử, Bản lam căn, Đơn bì, Cam thảo. Sắc uống.

TD: Sơ phong thanh giải. Trị phong chẩn, bì chẩn.

Tham Khảo

+ Vương Đức Lôi dùng bài Ngân Kiều Tán Gia Vị trị 400 trẻ nhỏ bị phong chẩn. Thường uống 1 thang các chứng trạng đều giảm, uống hai thang là khỏi. Có 120 ca uống 3 thang, 45 ca uống 4~5 thang. Trừ 5 ca do bị quai bị, nha chu viêm, viêm màng não, viêm cơ tim, còn lại tất cả đều khỏi. Bài thuốc dùng: Ngân hoa, Liên kiều đều 10g, Kinh giới huệ, Bạc hà, Ngưu bàng tử, Cát cánh đều 6g, Đạm trúc diệp, Đậu xị, Cam thảo đều 4g, Bản lam căn 15g (Trung Y Tạp Chí 1987 (4): 32).

+ Hoàng Tử Dao dùng bài thuốc sau trị 401 ca phong chẩn, uống 3~9 thang. Ngoại trừ 1 ca phát bệnh viêm thận phải chuyển viện còn lại đều khỏi. Bài thuốc gồm: Ngân hoa, Liên kiều đều 8g, Kinh giới huệ, Ngưu bàng tử, Cát cánh đều 5g, Bạc hà, Trúc diệp đều 4g, Cát căn, Thăng ma đều 6g, Cam thảo 3g. Sốt cao, khát thêm Thạch cao, Sài hồ. Họng sưng đau thêm Bản lam căn, Nguyên sâm, Thuyền thoái, Xạ can (Hồ Nam trung Y Học Viện Học Báo 1988 (2): 18).

Bệnh Án PHONG CHẨN

(Trích trong Bảo Anh Toát Yếu)

Một cháu nhỏ, sắc mặt trắng, bị phát ban, ngứa, mũi nghẹt, chảy nước mũi, ho liên tục. Cho dùng bài Bại Độc Tán thì nước mủ chảy ra nhiều, sợ lạnh, thở dồn dập, chiều thì lạnh, tối thì nóng.Tôi cho là khí của Phế và Tỳ bị tổn thương. Cho dùng bài Bổ Trung Ích Khí Thang thì bớt. Cho uống thêm Ngũ Vị Dị Công Tán thì khỏi bệnh.

(Trích trong Liễu Bảo Trị Y Án).

Tuyền, bị phong chẩn, nốt ban mọc ở vùng bên dưới. Tôi nghĩ là dùng phép lương huyết, tiết phong kèm với sơ doanh lạc. Cho dùng Sinh địa (tươi), Kinh giới (ao đen), Đơn bì, Sa sâm (tươi), Ngưu bàng tử, Thích tật lê, Thủ ô đằng, Xích thược, Toàn đương quy, Tang diệp, Mao căn nhục. Uống vào thì khỏi.

RÔM SẨY

Là những mảng da bị đỏ (do mạch máu tại chỗ dãn nở), trên nền đỏ là vô số những hạt nhỏ li ti và ngứa dữ dội.

Nguyên Nhân

- Do lớp tế bào thượng bì (lớp tế bào trên cùng) của da bị khô đi do nắng nóng.

- Nhiễm trùng ở lỗ chân lông.

- Do lớp tế bào thượng bì mất nước, mất chất béo.

Ngoài , bị ảnh hưởng của tia cực tím gây nên khô da, cháy nắng cũng gây ra rôm sẩy.

Do lớp tế bào thượng bì của da bị khô cộng với mồ hôi, bụi, cáu ghét bám trên da nên lỗ thoát mồ hôi bị bít kín, nhưng mồ hôi trong tuyến vẫn tiết ra, làm gia tăng áp lực trong ống dẫn mồ hôi, ống dẫn bị dãn nở rồi nứt, tạo ra những nang nhỏ. Đồng thời xẩy ra sự sung huyết các mạch máu biểu bì chung quanh nang, dần dần tạo thành những vết sẩn mầu trắng giống như tình trạng ‘nổi da gà’. Khi tất cả lỗ chân lông của một vùng da bị bít kín, phần da đó trở nên khô hoàn toàn.

Hậu quả của tình trạng này là mồ hôi không tiết ra được khiến cho:

. Cơ thể bị nhiễm độc nhẹ do không bài tiết được chất thải.

. Mất đi một yếu tố giải nhiệt.

. Vi trùng dễ phát triển trên nền da khô.

. Vì ngứa nên trẻ hay gãi làm trầy sước da, từ đó, những vi khuẩn có sẵn trên da sẽ gây viêm da cấp tính, mạn tính và di chứng về sau là không tiết mồ hôi.

Điều trị

. Nếu chỉ bị sẩn đỏ trên da: phơi phần da này trong môi trường thoáng mát hàng ngày.

. Giữ vệ sinh da.

Phòng Ngừa

. Cố gắng tạo điều kiện để giữ trẻ trong môi trường thoáng mát.

. Cho trẻ mặc quần áo rộng, thoáng, mỏng, mầu nhạt. Nên cho mặc quần áo bằng vải (coton) để hút mồ hôi.

. Không cho trẻ chơi nhiều ngoài trời.

. Không cho trẻ chơi ngoài trời từ 10-14 giờ, lúc này nắng gắt, tia cực tím sẽ gây cháy da.

. Hạn chế sử dụng xà bông để tránh tẩy đi chất nhờn làm cho da bị khô.

. Nên tắm cho trẻ 2-3 lần mỗi ngày để làm sạch mồ hôi, bụi.

. Cho trẻ ăn nhiều rau quả tươi, nhất là rau lá mầu xanh đậm, quả, củ có mầu vàng, đỏ như cà rốt, cà chua, bí đỏ… để cung cấp sinh tố A, C, PP giúp bảo vệ các tế bào thượng bì của da khỏi bị sừng hoá.

. Khi đi ngoài đường, phải cho trẻ đội nón rộng vành, mặc quần áo dài tay mầu nhạt để đỡ hấp thu ánh năng mặt trời.

PHÙ LÚC CÓ THAI

Là trạng thái đàn bà có thai mà cơ thể bị phù thũng.

Sách phụ khoa còn gọi là Tử Khí, Tử Thủng, Tử Mãn, Quỷ Cước, Sô Cước, Nhâm Thần Thủng Trướng.

Theo sách ‘Y Tông Kim Giám’:

+ Phù từ đầu gối đến bàn chân, nước tiểu nhiều, gọi là Tử Khí.

+ Đầu mắt, một nửa cơ thể phù, nước tiểu ít, ngắn gọi là Tử Thủng.

+ Toàn thân đều phù, bụng trướng, thở khó vào tháng thứ sáu gọi là Tử Mãn.

+ Hai chân phù mà da bụng căng dầy thuộc về thấp, gọi là Sô Cước (Trứu Cước).

+ Da mỏng, thuộc thủy, gọi là Quỷ Cước.

Chứng Sô Cước và Quỷ Cước là một loại, có thai 3 tháng mà bị phù, tuy tên khác nhau nhưng cùng một chứng bệnh với Tử Mãn.

Sách ‘Sản Bảo Tâm Pháp’ viết: “Nói là Tử mãn, có thai 5~6 tháng, ngực bụng đầy trướng, bụng to khác thường hoặc nửa người sưng phù, ngực và hông sườn khó chịu, khí nghịch không yên, tiểu sít, gọi là ‘Tử Mãn’.

Nếu có thai 7-8 tháng mà chỉ bị phù ở chân, không có chứng gì khác, đó là hiện tượng thường có trong thời kỳ cuối của thai nghén, không cần điều trị, sau khi sinh sẽ khỏi.

YHHĐ gọi là chứng ‘Nhiễm độc thai nghén’, ‘Phù lúc có thai’.

Nguyên Nhân

+ Nguyên nhân chính do Tỳ Hư Không Ức Chế Được Thủy.

Sách ‘Sản Bảo’ viết: “Chứng có thai bị phù là do tạng khí hư yngực có thai lại kèm hư yếu, thổ khí không chế ngực được thủy khí”.

Sách ‘Thánh Tế Tổng Lục’ viết: “Lúc có thai thì Tỳ Vị hư yếu, kinh nguyệt bế tắc, thủy khí không hóa được”.

Sách ‘Phụ Nhân Lương Phương’ viết: “Trong thai có nước, nước và huyết giống nhau”.

+ Do Khí Trệ Thấp Uất: Cơ thể vốn có nhiều uất tà, khi có thai, thai lớn quá làm ngăn trở khí, khí không thông được, khí bị trệ, thấp bị uất, tích lại ở bào cung khiến cho thai bị ứ nước, sưng phù.

Điều Trị

Nên chú trọng việc kiện Tỳ, táo thấp, thuận khí, an thai làm chính.

+ Nếu Tỳ hư, dùng bài Bạch Truật Tán, Ngũ Bì Ẩm, Thiên Kim Lý Ngư Thang...

+ Thủy thấp: dùng Quỳ Tử Phục Linh Tán, Phục Linh Đạo Thủy Thang...

+ Khí trệ dùng bài Thiên Kim Đằng Tán, Thúc Thai Ẩm...

Trên lâm sàng thường gặp các loại sau:

+ Tỳ Khí Suy Yếu: Lúc có thai, nước thai quá nhiều, bụng sưng to khác thường, da bụng căng to lên, chân và bộ phận sinh dục sưng to, bị nặng thì toàn thân sưng phù, ăn ít, bụng trướng, tinh thần uể oải, tay chân mềm yếu, sắc mặt vàng nhạt, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Hoạt không lực.

Điều trị: Kiện Tỳ thấm thấp, dưỡng huyết, an thai. Dùng bài Lý Ngư Thang (Thiên Kim Yếu Phương): Lý ngư (cá Chép), Bạch truật, Bạch thược, đương quy, Phục linh, Sinh khương.

(Lý ngư tăng tác dụng đẩy nước ở bào thai để làm bớt sưng phù; Bạch truật, Phục linh, Sinh khương kiện Tỳ, lý khí, thấm thấp, hành thủy; Đương quy, Bạch thược dưỡng huyết, an thai, làm cho nước tiêu đi không làm tổn thương thai).

Nếu dương hư, sợ lạnh, tay chân lạnh, phối thêm Hoàng kỳ, Quế chi để ôn dương, hóa khí, hành thủy. Bụng đau, thêm Đỗ trọng, Tục đoạn, Thỏ ty tử để cố Thận, an thai (Trung Y Phụ Khoa Học).

+ Khí Trệ Thấp Uất: Có thai mà thai nhiều nước quá, bụng to khác thường, ngực đầy trướng, khó thở, không nằm được, tay chân và cơ thể sưng phù, mầu da không thay đổi, ấn vào lõm sâu, lưỡi nhạt, bệu, mạch Huyền, Hoạt.

Điều trị: Lý khí, hành trệ, lợi thủy, trừ thấp. Dùng bài Phục Linh Đạo Thủy Thang bỏ Binh lang.

(Phục linh, Trư linh, Bạch truật, Trạch tả kiện Tỳ, hành thủy; Mộc hương, Sa nhân, Tô diệp tỉnh Tỳ, lý khí; Đại phúc bì, Tang bạch bì tiêu trướng, hành thủy; Mộc qua hành khí, trừ thấp (Trung Y Phụ Khoa Học).

Bụng trướng, thêm Chỉ xác để lý khí, tiêu trướng mãn. Khó thở (suyễn) không nằm được, thêm Đình lịch tử để tiết Phế, hành thủy, hạ khí, định suyễn. Chân ưng phù thêm Phòng kỷ để trừ thấp, tiêu thủng (Trung Y Phụ Khoa Học).

Hoặc dùng bài Thiên Tiên Đằng Tán (Phụ Nhân Đại Toàn Lương Phương): Thiên tiên đằng, Hương phụ, Trần bì, Cam thảo, Ô dược, Sinh khương, Mộc qua, Tử tô diệp.

(Thiên tiên đằng, Hương phụ lý khí, hành trệ; Trần bì, Sinh khương ôn trung, hành khí; Tuqr tô diệp làm thông khí trệ ở thượng tiêu; Ô dược khai khí uất ở hạ tiêu; Mộc qua hành khí, trừ thấp, thư cân hoạt lạc; Cam thảo điều hòa các vị thuốc).

+ Thận Hư: Có thai. Mặt phù, chân tay sưng, ấn vào lõm sâu, đầu váng, tai ù, lưng đau, chân mỏi, chân lạnh, hồi hộp, hơi thở ngắn, tiểu không thông, da mặt sạm tối, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng hoạt, mạch Trầm Trì.

Điều trị: Bổ Thận ôn dương, hóa khí, hành thủy. Dùng bài Chân Vũ Thang hoặc Phục Linh Tán (Thương Hàn Luận): Quế chi, Bạch truật, Phục linh, Trư linh, Trạch tả. Thêm Sơn dược, Thỏ ty tử

(Trư linh, Phục linh, Trạch tả lợii thủy, thấm thấp; Bạch truật kiện Tỳ, vận hóa thủy thấp; Quế chi ôn dương, hóa khí, giúp cho Bàng quang khí hóa, khiến cho nước theo đường tiểu thoát ra ngoài; Sơn dược, Thỏ ty tử bổ ích Thận khí để cố Xung (mạch), an thai).

Y Án Chứng Tử Khí

(Trích trong ‘Y Lược Lục Thư’’)

Một người đàn bà có thai 4-5 tháng, toàn thân bị phù, ăn uống bình thường, mạch Hoãn, Trầm Sác, đây là chứng Tử Khí. Cho dùng bài Thiên Tiên Đằng Tán, uống 4 thang, bớt phù. Uống tiếp bài Tứ Quân Tử Thang thêm Mộc hương, Tô ngạnh để điều lý dần dần. Đến kỳ sinh, uống tiếp 3 thang Tử Tô Ẩm. Đến buổi chiều sinh xong thì hết hẳn phù.

Y Án Chứng Tử Thủng

(Trích trong ‘Nữ Khoa Y Án’)

Một phụ nữ có thai 2-3 tháng, hai chân và mặt phù, đùi phù, dần dần phù toàn thân, thở mệt, tức đầy như suyễn, đi đứng khó, mạch Hư, Huyền, Hoạt. Đây là chứng Tử Thủng. Dùng bài Bạch Truật Tán, uống nhiều ngày thì bớt phù, ăn được. Sau đó, dùng Lý Ngư Thang uống xen kẽ với bài Tử Tô Ẩm trong một tháng thì thai an toàn.


Tổng lượt xem: 304888
Lượt xem trong tháng: 4002
Lượt xem trong ngày: 105
Đang xem: 1

 

 
Dan Phuong传统东方医学产品 
网站内容仅供参考
未经医生同意,患者不得擅自使用该信息进行治疗
版权所有 © 2014 属于 Dan Phuong传统东方医学
地址: