PHẦN 2

PHẾ QUẢN VIÊM CẤP

( Acute Bronchitis – Aigue Bronchite)

Là một bệnh thường gặp, thuộc phạm vi chứng Khái, Thấu, Đờm Ẩm của Đông y.

Xem thêm bài ‘Ho – Khái Thấu’.

Phong Hàn

Thường gặp ở giai đoạn đầu của Phế quản viêm.

Chứng: Ho đờm loãng, trắng, dễ khạc, sốt, sợ lạnh, đầu đau, chảy nước mũi, ngứa cổ, khan tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù.

Điều Trị: Sơ phong, tán hàn, tuyên Phế.

+ Hạnh Tô Tán: Hạnh nhân, Tô diệp, Tiền hồ đều 10g, Cát cánh 8g, Bán hạ (chế), Chỉ xác, Phục linh, Cam thảo đều 6g, Trần bì 4g, Táo 4 trái, Gừng 3 lát. Sắc uống.

(Tử tô, Sinh khương sơ tán phong hàn; Tiền hồ, Hạnh nhân, Cát cánh tuyên Phế, hoá đờm, chỉ thấu; Bán hạ, Trần bì táo thấp, hoá đờm; Phục linh dẫn tà ra bằng đường tiểu).

+ Chỉ Khái Tán: Hạnh nhân, Tiền hồ, Tử uyển đều 12g, Cát cánh 8g, Cam thảo 4g.

Đờm nhiều, rêu lưỡi trắng, thêm Bán hạ (chế) 12g, Trần bì 8g. Hen suyễn, bỏ Cát cánh, thêm Ma hoàng 6g (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

+ Tía tô 12g, Lá hẹ, Kinh giới đều 10g, Bạch chỉ, Rễ chỉ thiên đều 8g, Trần bì, Xuyên khung đều 6g (Y Học Cổ Truyền Dân Tộc).

Châm Cứu

+ Châm tả Phong môn, Hợp cốc, Khúc trì, Ngoại quan, Xích trạch, Thái uyên (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

+ Tuyên Phế, tán hàn, tuyên Phế, hoá đờm: Châm tả Liệt khuyết, Hợp cốc, Phế du, Ngoại quan.

(Liệt khuyết là huyệt lạc của kinh thủ Thái âm Phế, hợp với Phế du để tuyên thông Phế khí; Hợp cốc là nguyên huyệt của kinh Đại trường, hợp với Ngoại quan để phát hãn, giải biểu (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

Phong Nhiệt

Thường gặp ở phế quản viêm cấp, và giai đoạn cấp của phế quản viêm mạn.

Chứng: Ho khạc ra nhiều đờm mầu vàng, trắng dính, họng khô, họng đau, sốt, đầu đau, sợ gió, rêu lưỡi mỏng vàng, mạch Phù Sác.

Điều trị: Sơ phong, thanh nhiệt, tuyên Phế.

+ Tang Cúc Ẩm gia giảm: Tang diệp, Cúc hoa, Liên kiều, Ngưu bàng tử, Hạnh nhân, Tiền hồ đều 12g, Cát cánh 8g, Lô Căn 6g, Cam thảo 4g.

Đờm nhiều, vàng dính kèm sốt cao, bỏ Tang diệp, Cúc hoa, Bạc hà, Ngưu bàng thêm Hoàng cầm 12g, Ngư tinh thảo 20-40g.

(Tang diệp, Cúc hoa, Bạc hà, Liên kiều để tân lương giải biểu, thanh phong nhiệt; Hạnh nhân, Cát cánh, Lô căn đẻ hoá đờm, thanh nhiệt (Nội Khoa Học Thượng Hải).

+ Tang Hạnh Thang gia giảm: Tang diệp 12g, Hạnh nhân, Chi tử, Tiền hồ, Tang bạch bì, Sa sâm, Bối mẫu đều 8g, Cam thảo 6g (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

Châm Cứu

+ Châm tả Trung phủ, Thiên đột, Phế du, Phong môn, Hợp cốc, Ngoại quan, Xích trạch, Liệt khuyết (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

+ Sơ phong, thanh nhiệt, tuyên Phế, hoá đờm. Châm tả Xích trạch, Phế du, Khúc trì, Đại chuỳ.

(Xích trạch là thuỷ huyệt của kinh Phế, hợp với Phế du để tả Phế, hoá đờm; Đại chuỳ là yếu huyệt của mạch Đốc để thông dương, giải biểu; Hợp với Khúc trì để sơ phong, thanh nhiệt (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

Khí Táo

Thường gặp trong phế quản viêm cấp, vào mùa thu, lúc trời khô.

Chứng: Ho khan, ngứa họng, miệng khô, họng khô, đầu đau, mạch Phù Sác.

Điều trị: Thanh Phế, nhuận táo, chỉ khái.

+ Tang Hạnh Thang: Hạnh nhân, Sa sâm đều 12g, Tang chi, Bối mẫu, Đậu xị, Chi tử Lê bì đều 8g.

(Tang diệp, Đậu xị tân lương sơ phong; Sa sâm, Lê bì dưỡng âm, nhuận Phế; Hạnh nhân, Bối mẫu hoá đờm, chỉ khái (Nội Khoa Học Thượng Hải).

+ Thanh Táo Cứu Phế Thang: Tang diệp, Mạch môn, Tỳ bà diệp, Thạch cao đều 12g, Đảng sâm 16g, Hạnh nhân, A giao đều 8g, Cam thảo 6g, Sinh khương 4g (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

Châm Cứu

+ Châm Trung phủ, Phế du, Xích trạch, Thái uyên, Hợp cốc, Khúc trì (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

Y Án Phế Quản Viêm Cấp

(Trích trong ‘Châm Cứu Lâm Chứng Thực Nghiệm’ của Tôn Học Quyền).

“Bệnh nhân Cao, nữ, 37 tuổi, nhân viên. Nhập điều trị ngoại trú ngày 18/ 03/1979.

Nhức đầu, sốt nhẹ, ho khan và chảy nước mũi trong đã 5 ngày. Đã trị bằng thuốc Trung y và Tây y. Sau đó các Triệu chứng nhức đầu, sổ mũi và sốt nhẹ đã giảm, nhưng ho trở nên ngày càng trầm trọng hơn. X quang ngực và công thức máu đều bình thường.

Chẩn đoán là phế quản viêm cấp tính.

Châm huyệt Thân trụ, dùng phép đề tháp, sau đó giác khoảng 10 phút.

Hôm sau, ho đã giảm bớt. Châm như cũ.

Ngày 20/03, khám lần thứ ba thấy ho đã trở nên tốt hơn, bệnh nhân đã ngủ ngon về đêm và không có ho vào buổi sáng.

Lần điều trị thứ ba châm như trên.

Ngày 21/03 khám lần thứ tư thấy bệnh nhân chỉ có ho từng lúc. Lần điều trị cuối cùng được thực hiện như trên và bệnh nhân đã hoàn toàn khỏi bệnh.

Y Án Phế Quản Viêm Cấp

Trích trong ‘Trung Y Lâm Sàng Chẩn Liệu Bách Khoa Toàn Thư’.

“Trần X... nam, 45 tuổi. Mấy ngày gần đây khí hậu thay đổi đột ngột, không kịp chuẩn bị quần áo nên bị cảm phong hàn. Có triệu chứng sợ gió, sợ lạnh, đầu đau, sốt. Sáng hôm qua ngủ dâïy thấy ho và ngứa cổ, đờm nhiều, sắc trắng, ngực hơi khó chịu, thở gấp, chất lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, nhớt, mạch Phù Khẩn hơi Sác.

Chẩn đoán là chi khí quản viêm cấp.

Dùng Tử uyển, Tiền hồ, Kinh giới, Bối mẫu, Tang diệp, Trần bì đều 12, Hạnh nhân 16g, Cát cánh, Cam thảo đều 6g.

Sau khi uống 1 thang, mồ hôi hơi ra, đầu đỡ đau, bớt sợ lạnh, ho giảm phân nửa. Uống tiếp hai thang, khỏi hẳn.

Tham Khảo

+ Châm các huyệt ở khoảng cách mỗi thốn từ giữa Thiên đột đến Cưu vĩ. Đặt bệnh nhân nằm ngửa, sát trùng vùng da tại chỗ như thường lệ, véo da chung quanh vùng huyệt lên bằng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay trái, rồi châm nhanh vào huyệt với kim tam lăng bằng tay phải và bóp nặn huyệt được châm bằng cả hai bàn tay cho đến khi chảy máu. Ba ngày làm một lần như vậy. Nếu không có tác dụng, sau 2 - 3 lần châm, nên nghĩ đến dùng liệu pháp khác.

Tác giả đã bị một lần viêm phế quản kèm ho dữ dội, do thức ăn quá mặn. Việc điều trị được thực hiện bởi chính tác giả với phương pháp đã giới thiệu ở trên, khoảng 20 phút sau ho đã giảm, và biến mất vào ngày hôm sau. Sau lần đó tác giả đã sử dụng phương pháp này để điều trị nhiều trường hợp có triệu chứng tương tự và đã thu được nhiều hiệu quả chắc chắn (Châm Cứu Lâm Chứng Thực Nghiệm).

+ Kinh Nghiệm Điều Trị Của Nhật Bản (theo sách ‘Chinese Herbal Medicine and The Problem Of Aging’).

. Ma Hoàng Thang được dùng cho trẻ em với các triệu chứng lạnh, ho, thở khò khè.

. Ma Hạnh Thạch Cam Thang dùng trị chứng Phế quản viêm nơi trẻ nhỏ. Thêm Tang bạch bì để tăng hiệu lực của bài thuốc.

. Hoa Cái Tán (Ma Hoàng Tang Bì Thang): dùng cho trẻ nhỏ ho rít và dạ dày yếu. Nếu bài Ma Hạnh Thạch Cam Thang làm cho trẻ chán ăn, có thể thay bằng bài này. bài này thích hợp với chứng ho kéo dài do lạnh.

. Tiểu Thanh Long Thang: Phế quản viêm cấp, ho gà, và đờm loãng là những triệu chứng chỉ định của bài thuốc này.

PHẾ QUẢN VIÊM MẠN

( (Chronic Bronchitis – Bronchite Chronique)

Là một bệnh thường gặp, thuộc phạm vi chứng Khái, Thấu, Đờm Ẩm của Đông y.

Thường do Phế quản viêm cấp điều trị không hết hoặc dây dưa lâu ngày chuyển sang thành Phế quản viêm mạn.

Xem thêm mục Ho Do Nội Thương ở bài HO.

1- Đờm Thấp: Ho hay tái phát, trời lạnh ho tăng lên, đờm dễ khạc, sắc trắng loãng hoặc thành cục dính, buổi sáng ho nhiều, ngực đầy tức, ăn kém, rêu lưỡi trắng dính, mạch Nhu Hoạt.

Điều trị: Táo thấp, hoá đờm, chỉ khái.

+ Bình Vị Tán gia vị: Hậu phác 20g, Thương truật 12g, Trần bì 8g, Cam thảo 6g, Sinh khương 3 lát. Thêm Hạnh nhân, Ngưu bàng tử đều 8g, Ý dĩ 10g.

(Hậu phác, Trần bì, Thương truật để táo thấp, hoá đờm; Hạnh nhân, Ngưu bàng tử, Ý dĩ tuyên Phế, hoá đờm (Nội Khoa Học Thượng Hải).

+ Nhị Trần Thang gia vị: Hạnh nhân, Bạch truật đều 12g, Trần bì, Phục linh, Cam thảo đều 10g, Thương truật, Bán hạ (chế) đều 8g.

Đờm nhiều thêm Bạch giới tử 8g. Ngực đầy, đau thêm Chỉ xác 12g (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

. Nếu Tỳ hư không ức chế được thấp, không vận hoá được thuỷ cốc sẽ sinh ra đờm ẩm. Dùng bài Nhị Trần Thang, thêm Đảng sâm 16g, Bạch truật 12g, Tử uyển 8g, Bạch tiền 8g.

. Nếu Tỳ Thận dương đều hư gây nên ho, đờm nhiều, ngực sườn đầy trướng, khát mà không muốn uống, uống nước vào bị nôn ra, lưng và tay chân lạnh, hoa mắt, chóng mặt, thở ngắn, hồi hộp, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Huyền Hoạt. Điều trị: Ôn dương, lợi thấp, trừ đờm. Dùng bài Linh Quế Truật Cam Thang gia vị (Bạch truật 8g, Phục linh 16g, Quế chi 12g, Cam thảo 4g).

Châm Cứu

+ Kiện Tỳ hoá thấp: châm bổ hoặc cứu: Phế du, Tỳ du, Thái uyên, Thái bạch, Phong long, Hợp cốc.

(Tỳ là gốc sinh nên đờm, Phế là nơi giữ đờm. Nguyên huyệt là nơi sinh ra chân khí vì vậy dùng huyệt Thái uyên hợp với Phế du, Tỳ du để kiện Tỳ, hoá thấp, bổ ích Phế khí, tiêu bản cùng trị một lúc. Dùng Phong long là lạc huyệt của kinh Vị hợp với Hợp cốc là huyệt nguyên để hoà Vị khí (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

+ Châm bổ hoặc cứu Tỳ du, Phế du, Thận du, Túc tam lý, Hợp cốc, Tam âm giao. 7 lần là một liệu trình, nghỉ 2-3 ngày rồi lại tiếp tục (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

Thuỷ Ẩm – Hàn Ẩm

Thường gặp trong những bệnh phế quản viêm mạn kèm theo dãn phế nang nơi người lớn tuổi, người hô hấp suy yếu, tâm phế mạn...

Chứng: Ho thường bị tái phát, khó thở, đờm khò khè trong họng, trời lạnh ho càng tăng, khạc đờm nhiều, loãng, trắng. Sau khi vận động nhiều, các triệu chứng trên càng rõ, có thể không nằm được, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Tế Nhược.

Điều Trị: Ôn Phế, hoá đờm. Dùng bài Tiểu Thanh Long Thang gia giảm: Ma hoàng, Quế chi, Ngũ vị tử đều 6g, Bán hạ (chế) 8g, Can khương, Tế tân, Bạch tiền đều 4g.

ho nhiều thêm Tử uyển 12g, Khoản đông hoa 8g. Đờm nhiều thêm Đình lịch tử.

Châm Cứu

Cứu Tỳ du, Vị du, Phế du, Cao hoang, Túc tam lý, Phong long, Thái bạch (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

Tham Khảo

+ Dùng thuốc dán vào huyệt trị 1280 trường hợp Phế quản viêm mạn:

1- Bạch giới tử, Địa long, Tế tân đều 30g, Diên hồ, Cam toại đều 20g, Băng phiến, Chương não đều 10g, Xạ hương 1g, Phụ tử 60g.

2- Bạch giới tử, Địa long, Tế tân đều 30g, Diên hồ, Cam toại đều 20g, Băng phiến, Chương não đều 10g, Xạ hương 1g, Thiên trúc hoàng 60g. Tán nhuyễn, trộn với nước cốt Gừng tươi cho dính, đắp vào huyệt. Châm các huyệt Phế du, Tâm du, Cách du, Tuyền cơ, Chiên trung. Người lớn tuổi và người suy yếu thêm huyệt Thận du. Sau khi đắc khí, rút kim ra, dán thuốc vào, để 24 giờ sau thì gỡ thuốc ra. Chỗ dán thuốc có thể đau, ngứa.

Hàn chứng, dùng phương thuốc 1. Nhiệt chứng dùng phương thuốc 2.

Kết quả: khỏi hoàn toàn 429, kết quả ít 549, có chuyển biến tốt 98, không hiệu quả 204. Đạt tỉ lệ 84,1% (Phạm Tế Bình ‘Huyệt Vị Châm Thích Niêm Dược Trị Liệu Mạn Tính Chi Khí Quản Viêm 1280 Liệt Lâm Sàng Khảo Sát’ – Trung Quốc Châm cứu 1990, 10 (4): 1).

+ Dùng Nhĩ Châm trị 100 ca Phế quản viêm mạn: Dùng huyệt Chi khí quản, Thượng thận tuyến, Tiền liệt tuyến. Đờm nhiều thêm huyệt Tỳ. Dùng Bạch giới tử hoặc Vương bất lưu hành dán lên huyệt. Mỗi lần chọn khoảng 5 huyệt ở cả hai tai. 5 ngày là một liệu trình. Kết quả: Khỏi 47, hiệu quả ít 43, chuyển biến tốt 6, không hiệu quả 4. Đạt tỉ lệ 96% (Tạ Trì Tĩnh, ‘Nhĩ Châm Trị Liệu Mạn Tính Chi Khí Quản Viêm 100 Liệt’ – Thượng Hải Châm Cứu Tạp Chí 1987, 6 (2): 12).

Y Án Phế Quản Viêm Mạn

(Trích trong ‘Châm Cứu Lâm Chứng Thực Nghiệm’ của Tôn Học Quyền).

“Bệnh nhân Lý, nữ, 45 tuổi, nội trợ, nhập điều trị ngoại trú ngày 21/11/ 1968.

Bệnh nhân than phiền đã ho đêm khoảng 5 năm. Tại bệnh viện bà ta đã được chẩn đoán là viêm phế quản mạn tính. Khoảng 6 ngày trước lần khám đầu tiên, bà ta ho có đờm nhầy và khó thở, ngực đầy, sáng sớm và chiều tối bệnh nặng hơn.

Khám nghiệm: thân nhiệt 36oC: áp huyết 110/75mmhg. Nghe tim và phổi nghe thấy bình thường. X quang ngực thấy gia tăng các điểm đặc trưng của phổi, rêu lưỡi trắng và dày, mạch Phục Tế.

Chẩn đoán là viêm phế quản mạn tính.

Điều trị: Cứu hai huyệt Phế du khoảng 60 phút theo phương pháp trước tác (nâng lên, hạ xuống). Châm huyệt Nội quan ngày một lần hoặc hai ngày một lần. Sau những lần đó bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn. Các triệu chứng ho, đầy tức ngực và khó thở giảm bớt nhiều sau 5 lần điều trị, biến mất hoàn toàn sau 7 lần điều trị. 9 năm sau không thấy tái phát”.

Tham Khảo

Kinh Nghiệm Điều Trị Phế Quản Viêm Mạn của Nhật Bản theo sách ‘Chinese Herbal Medicne and The Problem Of Aging’:

+ Thanh Phế Thang trị phế quản viêm mạn, nhiều đờm, sát đờm, ho dài ngày.

+ Linh Cam Khương Vị Tân Hạ Nhân Thang: dùng trong trường hợp bệnh nhân sau khi dùng bài Tiểu Thanh Long Thang mà có cảm giác kém ăn do vị Ma hoàng gây nên.

+ Tư Âm Chỉ Thực Thang: dành cho bệnh nhân phế quản viêm mạn mà sức yếu, hơi thở ngắn, chán ăn, tự ra mồhôi, mồ hôi trộm.

+ Chích Cam Thảo Thang: Dùng trong trường hợp phế quản viêm mạn, hơi thở ngắn, họng khô, sát đờm, cơ thể yếu và hồi hộp.

+ Mạch Môn Đông Thang: dùng trong trường hợp phế quản viêm mạn kèm những cơn ho kéo dài, mặt đỏ, đờm ít, khan tiếng. Bài thuốc làm nhuận Phế, long đờm, dịu ho. Nhưng không nên dùng cho trường hợp nhiều đờm.

+ Đại Sài Hồ Thang: Dùng cho bệnh nhân có tạng người khỏe, viêm phế quản mạn kèm ngực đau, vai đau, khó thở và táo bón.


Tổng lượt xem: 304840
Lượt xem trong tháng: 3954
Lượt xem trong ngày: 57
Đang xem: 3

 

 
Dan Phuong传统东方医学产品 
网站内容仅供参考
未经医生同意,患者不得擅自使用该信息进行治疗
版权所有 © 2014 属于 Dan Phuong传统东方医学
地址: