PHẦN 8

HỘI CHỨNG MÃN KINH

(Tuyệt Kinh Tiền Hậu Chư Chứng - Menopause)

Đại Cương

Người phụ nữ thường vào thời kỳ trước và sau khi tắt kinh xuất hiện một số triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, ra mồ hôi, nóng trong người, mặt đỏ, bứt rứt trong người, cảm giác chân tay tê hoặc kiến bò ngoài da, hồi hộp hay quên, kinh nguyệt không đều... do nội tiết tố nữ giảm thiểu (vì buồng trứng giảm tiết nội tiết tố và số lần rụng trứng giảm dần đến hết, các tuyến âm đạo giảm xuất tiết nên âm đạo khô, lúc giao hợp đau, có thể dễ gây viêm âm đạo hoặc do thiếu nội tiết tố nữ mà xương loãng dễ bị gãy xương.

Thời kỳ tiền mãn kinh thường bắt đầu từ tuổi 41 - 45, thời gian ngắn có thể từ 5, 7 tháng, dài có thể 1, 2 năm hoặc lâu hơn, có người kéo dài hơn 10 năm. Nhiều công trình nghiên cứu chứng minh là bệnh nặng nhẹ có liên quan đến trạng thái thần kinh, tinh thần, tâm lý của người phụ nữ (yếu tố nội tại của con người là chủ yếu). Tỷ lệ phát bệnh ở người lao động trí óc cao hơn ở người lao động chân tay.

Cũng gọi là Kinh Đoạn Tiền Hậu Chư Chứng.

Nguyên Nhân

Dựa theo thiên ‘Thượng Cổ Thiên Chân Luận’ (Tố Vấn 1), y học cổ truyền cho rằng phụ nữ bắt đầu suy từ tuổi 42 (tuổi lục thất, tam dương suy, da mặt khô, tóc bạc...) và đến tuổi 49 (tuổi thất thất, mạch Xung Nhâm suy, kinh kiệt...) và như vậy ở khoảng tuổi này là phụ nữ hết sinh đẻ, chức năng tạng phủ suy dần mà chủ yếu là thận khí suy, người phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, thận suy chủ yếu là tinh huyết suy gây nên âm dương mất cân bằêng, ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của các tạng phủ khác và là nguyên nhân chính của hội chứng tiền mãn kinh.

Thận Âm Hư: Cơ thể vốn bị âm hư, huyết thiếu, trước và sau khi mãn kinh, thiên quý sắp cạn, tinh huyết suy, lại suy nghĩ, mất ngủ, phần âm và doanh bị tổn thương hoặc do sinh hoạt tình dục không điều độ, tinh huyết bị hao tổn hoặc do bệnh mất máu quá nhiều,âm huyết hao tổn, thận âm hư yếu, tạng phủ không được dinh dưỡng gây nên mãn kinh sớm hoặc muộn.

+ Thận Dương Hư: Cơ thể vốn suy yếu, thận dương hư suy, gây nên mãn kinh sớm hoặc muộn. Thận khí suy yếu lại kinh sợ quá hoặc sinh hoạt tình dục không điều độ, làm tổn thương thận khí, mệnh môn hoả suy, tạng phủ không được nuôi dưỡng gây nên mãn kinh sớm hoặc muộn.

Ngoài ra các yếu tố tinh thần, thể chất, yếu tố dinh dưỡng, sinh đẻ, hoàn cảnh sinh hoạt lao động của người phụ nữ đều có ảnh hưởng đến sự phát sinh bệnh.

Triệu Chứng

Triệu chứng lâm sàng thường thấy các triệu chứng sau:

+ Rối loạn kinh nguyệt: Bắt đầu kinh đến sớm muộn thất thường, lượng ít, hoặc nhiều có khi rất nhiều (băng huyết) hoặc ngưng đột ngột.

+ Rối loạn thần kinh thực vật: Nóng sốt, bừng bừng đỏ mặt, ra mồ hôi, hoa mắt, ù tai, nóng nảy, dễ tức giận hoặc lo nghĩ trầm cảm, lưng gối đau mỏi, đau đầu, họng khô nóng, miệng khô, nôn, buồn nôn, hồi hộp, mất ngủ, hay quên, tư tưởng khó tập trung hoặc chân tay tê rần, cảm giác kiến bò.

+ Rối loạn chuyển hoá: Cơ thể mập ra, lên cân hoặc phù, tiêu chảy.

Chẩn Đoán: Chủ yếu dựa vào:

. Tuổi từ 40 đến 55, có rối loạn kinh nguyệt, kinh kỳ sớm muộn không đều, lượng nhiều hoặc ít hơn trước đó hoặc đột ngột tắt kinh.

. Mặt đỏ, nóng bừng, ra mồ hôi, người nóng nảy, bứt rứt, váng đầu, hoa mắt, đau lưng, mỏi gối, bồn chồn, không tập trung tư tưởng.

. Có điều kiện kiểm tra nội tiết tố: lượng Estrogen.

Tiền mãn kinh là thời kỳ mà người phụ nữ dễ mắc nhiều loại bệnh khác cho nên cần có sự kiểm tra toàn diện như trường hợp kinh ra nhiều cần chú ý loại trừ ung thư bộ phận sinh dục.

Điều Trị

Hội chứng tiền mãn kinh là một bệnh nội thương chủ yếu do chức năng của tạng thận suy giảm, âm dương mất cân bằng dần đến sự rối loạn chức năng các tạng phủ trong cơ thể do đó không thể chỉ dùng thuốc mà phương pháp điều trị phải toàn diện, kết hợp dùng thuốc và những phương pháp không dùng thuốc như xoa bóp dưỡng sinh, khí công, thái cực quyền và người bệnh phải chủ động có ý chí tu luyện tinh thần tư tưởng thanh thản (không buồn phiền, không quá lo lắng, không bực mình tức giận) mới có kết quả tốt.

+ Thận Âm Hư, có thể chia ra:

. Âm Hư Nội Nhiệt: Kinh nguyệt đến sớm, lượng ít, hoặc trễ ra nhiều hoặc tắt kinh đột ngột, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, nóng bừng, ra mồ hôi, miệng khô, táo bón, lưng gối nhức mỏi, lưỡi đỏ, rêu ít, mạch Tế Sác.

Điều trị: Tư âm, thanh nhiệt. Dùng bài Tri Bá Địa Hoàng Hoàn gia giảm: Sinh địa, Thục địa đều 12g, Sơn thù nhục 10g, Đơn bì, Phục linh, Trạch tả, Hoàng bá, Tri mẫu, Địa cốt bì đều 12g, Sinh Long cốt, Sinh Mẫu lệ, Quy bản (sắc trước) đều 20g.

. Âm Hư Can Vượng: Kinh nguyệt rối loạn, tính tình bứt rứt nóng nảy, dễ cáu gắt, mắt khô, chóng mặt, đau đầu, ngực sườn đau tức, chân tay run, tê rần hoặc cảm giác kiến bò, rìa lưỡi đỏ, mạch Huyền, Sác.

Điều trị: Tư thận, bình Can, tiềm dương. Dùng bài Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn Gia Giảm: Sinh địa 16g, Hoài sơn, Sơn thù, Đơn bì, Bạch linh, Trạch tả, Kỷ tử đều 12g, Cúc hoa 10g, bạch thược 20g, Sàí hồ (sao dấm) Hạ khô thảo đều 12g, Câu đằng 10g.

Mất ngủ gia Sao táo nhân, Bá tử nhân, Dạ giao đằng.

. Tâm Thận Bất Giao: Rối loạn kinh nguyệt, người nóng, ra mồ hôi, hồi hộp, hay quên, mất ngủ, hay mơ, khó tập trung tư tưởng, hay buồn vô cớ, lưỡi thon đỏ, ít rêu.

Điều trị: Tư âm, giáng hoả, giao thông tâm thận. Dùng bài: Mạch Vị Địa Hoàng Hoàn hợp với An Thần Định Chí Hoàn gia giảm: Sinh địa, Thục địa, Đơn bì, Phục thần, Bạch linh, Bạch thược, Mạch môn đều 12g, Ngũ vị tử 4g, Viễn chí 4g, Thạch xương bồ 12g, sao Táo nhân 20g, Hoàng liên 4g, Cam thảo, Đại táo 3 quả.

. Thận Dương Hư: Kinh nguyệt ra nhiều hoặc đến sớm, người mập, chân tay lạnh mát, sợ lạnh, mệt mỏi, hoặc phù, tiểu trong, lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch Trầm Nhược.

Điều trị: ôn bổ thận dương. Dùng bài Thận Khí Hoàn gia giảm: Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Đơn bì, Bạch linh, Trạch tả đều 12g, Chế Phụ tử, Quế nhục đều 4g.

Mệt mỏi, ăn kém thêm Đảng sâm, Bạch truật đều 10g. Ngủ ít thêm sao Táo nhân 20g, Bá tử nhân 10g. Chân phù thêm Xa tiền tử 12g, Trư linh 12g, Bạch mao căn 12g. Kinh nguyệt kéo dài cho uống thêm Sâm tam thất bột 1 - 2g hoà thuốc hoặc A giao 6g hoà thuốc uống.

. Huvết Ứ Đàm Trệ: Phụ nữ sắp hết kinh, người mập, lên cân, tinh thần mệt mỏi, bứt rứt, chân tay nặng nề hoặc tê dại, đầu nặng, ngực đau, hồi hộp, mất ngủ, lưỡi bệu rêu dày, mạch Trầm Hoạt.

Điều trị: Hoạt huyết trừ đàm. Dùng bài Huyết Phủ Trục Ứ Thang hợp Ôn Đởm Thang gia giảm: Đương qui, Sinh địa, Đào nhân, Sài hồ, Xích thược, Xuyên ngưu tất đều 12g, Xuyên khung, Hồng hoa, Chỉ xác, Sơn tra, Trúc nhự đều 10g, Sinh hoàng kỳ 30g, Bạch linh 12g, Trần bì 10g, Cam thảo 3g.

Chế độ ăn chú ý kiêng mỡ, đường, ăn nhiều rau các loại đậu, chế độ ăn cơm gạo lức, muối mè đen là có lợi để ngăn chặn bệnh phát triển. Chú ý tinh thần thanh thản vui tươi cởi mở, sinh hoạt điều độ là những điều kiện cần thiết để giảm nhẹ bệnh.

Đơn Thuốc Kinh Nghiệm

+ Khôn Bảo Thang (Lý Cổn, Bệnh viện Trung y Bắc Kinh): Sinh địa, Bạch thược, Nữ trinh tử đều 12g, Cúc hoa, Hoàng cầm, Sao Táo nhân đều 9g, Sinh Long cốt 30g, sắc uống.

Đã trị 330 ca, khỏi: l12 ca (83,9%), tốt 144 ca (43,6%), có tiến bộ 64 ca ( 19,4%), không kết quả 10 ca (3%).

+ Cánh Niên Lạc (Tào Tỉnh An, Bệnh viện Phụ sản khoa trường Đại học Y khoa Thượng Hải): Sài hồ, Khương Bán hạ, Hoàng cầm, Hắc chi tử đều 9g, Đảng sâm 15g, Chích thảo 6g, Hoài Tiểu mạch, Trân châu mẫu đều 30g, Đại táo 6 quả, Tiên linh tỳ 12g, sắc uống.

Gia giảm: Cao huyết áp thêm Câu đằng 15g, Địa long, Ngưu tất đều 9g, mất ngủ thêm Ngũ vị tử 3g, Dạ giao đằng 15g; Khát nước thêm Thạch hộc 12g, Ngọc trúc 9g.

Đã trị 21 ca, khỏi 9 ca (43%), tốt 3 ca (14%), tiến bộ 9 ca (43%).

+ Canh Niên Phương (Nguyễn Đạo Dũng, học viện Trung y Nam Kinh tỉnh Giang Tô):

(a) Sinh địa, Nữ trinh tử, Hạn liên thảo, Sao táo nhân, Phục linh đều 12g, Long xỉ 20g, Câu đằng 10g, Liên tâm 1g.

(b) Tiên linh tỳ, Tiên mao, Táo nhân (sao), Phòng kỷ, Phục linh (cả vỏ), xuyên Tục đoạn, Hợp hoan bì đều 10g, Hoàng kỳ, Đảng sâm đều 12g, Liên tâm 1g, sắc uống.

Kết quả lâm sàng: Bài (a) trị chứng âm hư (nóng ra mồ hôi bứt rứt) có kết quả 87,8%, Bài (b) trị chứng âm dương đều hư, kết quả 77,8%.

+ Canh Niên Ẩm (Trương Lệ Dung, Bệnh viện Phụ sản khoa Thiên Tân): Sinh địa, Tthục địa, Phục linh, Sơn dược, Hà thủ ô, Tiên mao đều 12g, Trạch tả, Sơn thù nhục đều 9g, Đơn bì 6g, sắc uống.

Trị 382 ca thể âm hư Can vượng, có kết quả 98,2%.

Châm Cứu

Huyệt chính: Quan nguyên, Khí hải, Trung quản, Thận du, Hợp cốc, Túc tam lý, Khúc cốt.

Chọn huyệt theo biện chứng: Can thận âm hư: Thái khê, Can du, Bách hội.

Tâm thận bất giao: Tâm du, Thông lý, Chí thất.

Tỳ thận dương hư: Tỳ du, Âm lăng tuyền, Tam âm giao.

Âm hư can vượng: Chiếu hải, Thái xung, Đại lăng.

- Cách châm: Huyệt chính mỗi lần chọn 4 - 5 huyệt, dùng phép bổ, lưu kim 20 - 30 phút. Châm hàng ngày hoặc cách nhật. Một liệu trình 15 lần.

Tinh thần bứt rứt, tính tình thất thường, phối hợp Đại lăng với Hợp cốc. Lòng bàn chân tay nóng dùng Chiếu hải phối hợp Lao cung, Dũng tuyền. Mất ngủ thêm Thần môn, An miên. Phù thũng dùng Quan nguyên, Túc tam lý, Thuỷ phân. Lượng kinh nhiều thêm Thái xung, Giao tín, Tam âm giao (Bị Cấp Châm Cứu).

+ Can Thận Âm Hư: Tư dưỡng Thận âm, bình Can tiềm dương, giao thông Tâm Thận. Châm bổ Thận du, Tâm du, Thái khê, Tam âm giao, Thái xung.

(Thận du tư dưỡng Thận tinh; Tâm du ninh Tâm, an thần, hai huyệt phối hợp để giao thông Tâm Thận, khiến cho thuỷ hoả ký tế. Thái khê là huyệt Nguyên của kinh Thận, Thái xung là huyệt Nguyên của kinh Can, phối hợp hai huyệt có tác dụng tư thuỷ, hàm mộc, Can Thận tỉnh dưỡng; Tam âm giao tư dưỡng tam âm, bổ dưỡng mạch Xung Nhâm, điều kinh, chỉ huyết) (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

+ Tỳ Thận Dương Hư: Ôn Thận trợ dương, ôn trung kiện Tỳ. Dùng huyệt Quan nguyên, Thận du, Tỳ du, Chương môn, Túc tam lý.

(Quan nguyên là huyệt của mạch Nhâm giúp trợ thông Xung mạch, điều kinh, nhiếp huyết. Hợp với Thận du bổ ích cho mệnh môn hoả, trợ giúp cho tiên thiên. Phối Tỳ du, Chương môn là theo phép phối Mộ – Bối du để ôn vận Tỳ dương, hợp với yếu huyệt làm mạnh cơ thể là Túc tam lý để bổ ích trung châu, giúp sức cho việc vận hoá).

Nhĩ Châm

+ Huyệt thường dùng: Tử cung, Noãn sào, Nội tiết.

- Tuỳ chứng gia giảm: Bứt rứt khó ngủ thêm Thần môn, Dưới vỏ não. Hồi hộp, rối loạn nhịp tim thêm huyệt Tâm, Tiểu trường. Huyết áp cao: Kích thích Rãnh hạ huyết áp.

Sắc mặt ửng đỏ, nhiều mồ hôi thêm Giao cảm, Má, Phế.

Phương pháp: Dùng hào châm vê kim nhẹ, lưu kim 30 - 60 phút, châm hàng ngày hoặc cách nhật, 15 lần là một liệu trình. Có thể kết hợp với thể châm.

Trường hợp gài kim nhỉ hoàn, mỗi lần chọn 2 – 4 huyệt mỗi lần gài 2 - 3 ngày, dặn bệnh nhân day ấn vào huyệt ngày 3 lần (Hiện Đại Nội Khoa Trung Y Học).

+ Dùng huyệt Buồng trứng, Nội tiết, Thần môn, Giao cảm, Bì chất hạ, Tâm, Can, Tỳ. Mỗi lần chọn 3~4 huyệt. Lưu kim 20~30 phút (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

Giới Thiệu Một Số Kết Quả Dùng Châm Trị Bệnh

Tạ Thị X dùng châm các huyệt Đại chuỳ, Quan nguyên, Khl hải, Trung quản, Thận du, Hợp cốc, Túc tam lý, Khúc cốt, Ấn đường, trị 30 ca tuổi từ 40 đến 60 tuổi, trong đó 3 ca chưa hết kinh, 7 ca rối loạn kinh nguyệt, 20 ca đã tắt kinh từ 4 tháng trở lên. Những triệu chứng chủ quan của bệnh nhân có.: đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, đau bụng, đau lưng, đau, chân, tê lưng, hồi hộp khó thở, ăn kém, tinh thần u uất, âm đạo ra máu thất thường... Kết quả: 27 ca hết hẳn triệu chứng chủ quan. l ca tiến bộ, 2 ca không kết quả (Hiện Đại Nội Khoa Trung Y Học).

VIÊM MÀO TINH HOÀN

(Tử Ung, Acute Epididymitis)

Viêm mào tinh hoàn, đông y gọi là Tử Ung. Theo Đông y, tinh hoàn được coi là Thận Tử, vì vậy viêm tinh hoàn được gọi là Tử Ung.

Sách ‘Ngoại Khoa Chứng Trị Toàn Sinh Tập’ viết: “Thận tử (tinh hoàn) phát đau, xệ xuống không thể nâng lên, bên ngoài thấy đỏ, gọi là Tử Ung”.

Được chia làm hai loại là Cấp tính và Mạn tính. Cả hai loại đều có đặc tính là tinh hoàn hoặc phó tinh hoàn sưng đau.

Cấp tính: tinh hoàn sưng to nóng đỏ đau kèm theo triệu chứng nóng lạnh toàn thân.

Loại mạn tính thường do cấp tính chuyển sang hoặc do Tiền liệt tuyến viêm mạn, Túi tinh viêm mạn, biểu hiện bằng tinh hoàn sưng cứng hơi đau hoặc hơi căng tức, đau ê ẩm.

Viêm mào tinh hoàn thường do nhiễm khuẩn từ bàng quang hay niệu quản lan xuống ống dẫn tinh gây viêm trên nửa bìu tinh hoàn. Viêm có thể lan tới tinh hoàn gây viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn (Epididymo - Orchitis).

Tử Ung cấp tính theo YHHĐ tương đương với chứng Viêm mào tinh hoàn cấp, hoặc Viêm mào tinh hoàn có mủ, Viêm mào tinh hoàn do quai bị. Tử ung mạn tính tương đương với Phó tinh hoàn viêm mạn, Phó tinh hoàn viêm dạng Lâm chứng.

Nguyên Nhân

Tiền âm là nơi hội tụ của tông cân, kinh Thái âm và Dương minh. Đường kinh Can vận hành qua hội âm, tinh hoàn thuộc Thận. Vì vậy Tử ung liên hệ đến Can và Thận.

+ Cảm Phải Hàn Thấp: Do điều kiện vệ sinh, cảm phải hàn thấp, hàn tà xâm nhập vào vùng âm bộ, ngưng kết lại làm cho khí huyết không thông được. Thấp trọc ứ trệ ở kinh lạc, khí không thông được, hàn thấp xâm nhập vào kinh Can làm cho khí huyết ở kinh Can bị ngưng trệ, mà Can chủ gân cơ vùng bộ phận sinh dục, vì vậy tinh hoàn bị sưng, đau.

+ Thấp Nhiệt Hạ Chú: do ngoại cảm lục dâm, ngồi nằm lâu ngày nơi ẩm thấp, hoặc ăn nhiều chất cay nóng, xào rán đều sinh thấp nhiệt uất kết. Hoặc tình chí uất kết sinh ra thấp nhiệt uất kết tại bàng quang, bìu dái lâu ngày hóa hỏa, hóa mủ. Hoặc trước đó bị viêm quai bị, tà độc nhập vào kinh Đởm, truyền sang kinh Can, uất kết ở bìu dái gây nên bệnh. Hoặc có khi do giao hợp nhiễm phải trọc độc, trọc độc truyền nhiễm vào, uất trệ lại, hoá thành hoả hoặc mủ, nung nấu gây ra mủ, lở loét, theo tinh đạo truyền truyền vào tinh hoàn, phó tinh hoàn gây nên bệnh.

+ Nhiệt Uất Ở Can Kinh: Tình chí uất ức hoặc do tức giận, ưu tư làm cho Can khí bị tổn thương, Can mất chức năng sơ tiết, khí bị uất lại hoá thành nhiệt, uất kết ở Can kinh hoặc do ngoại cảm phong nhiệt xâm nhập vào kinh Can khiến cho Can mất chức năng sơ tiết, nhiệt uất kết gây nên chứng Tử ung.

+ Té Ngã gây tổn thương mào tinh hoàn, bìu dái, huyết bị ứ, thấp nhiệt tà độc thừa cơ dồn xuống, thấp nhiệt và ứ độc kết hợp gây nên bệnh hoặc do nhiễm phải độc tà (vi khuẩn) gây nên bệnh.

Triệu Chứng

Thường gặp hai thể bệnh viêm mào tinh hoàn:

+ Viêm Mào Tinh Hoàn Cấp: phát bệnh đột ngột, mào tinh hoàn sưng đau sốt, kèm theo triệu chứng toàn thân phát sốt cao, sợ lạnh, phần viêm có thể lan đến tinh hệ (tử hệ) làm cho tinh hệ to lên và đau; lan tới âm nang thì da bìu dái sưng nóng đỏ đau. Đau có thể khu trú hoặc theo ống dẫn tinh xuyên lên háng, trực tràng và bụng dưới. Có thể biến chứng tràn dịch tinh mạc (hydrocele). Trường hợp làm mủ thì da bóng mềm, trường hợp vỡ mủ thì tại chỗ giảm đau và triệu chứng toàn thân nhẹ, miệng liền da và khỏi.

+ Viêm Mào Tinh Hoàn Mạn Tính: Phần lớn do viêm mào tinh hoàn cấp kéo dài, hoặc do nhiễm khuẩn nhẹ gây ra. Triệu chứng lâm sàng khác nhau. Có thể không đau,

đau tức nhẹ, hoặc phần đuôi mào tinh hoàn sưng cứng nhẹ.

Cũng có khi cấp diễn, mào tinh hoàn sưng đau kèm theo triệu chứng toàn thân. Trường hợp do chấn thương, lúc đầu cũng đau cấp tính nhưng triệu chứng toàn thân không rõ, sau lại nhiễm khuẩn thứ phát mới có sưng nóng đỏ đau và phát sốt.

Chẩn Đoán

1. Viêm Tinh Hoàn Do Biến Chứng Quai Bị: thường phát bệnh sau khi bị bệnh quai bị, tinh hoàn sưng đau, da bìu dái đỏ sau 7-14 ngày hết không làm mủ chỉ để lại di chứng teo tinh hoàn.

2. Chứng Sa Ruột Nghẽn: có triệu chứng bìu dái sưng đau nhưng có tiền sử sa ruột (thoát vị bẹn), không có triệu chứng nhiễm khuẩn cấp.

3. Chứng Lao Mào Tinh Hoàn: YHCT gọi là chứng Tử Đờm, có triệu chứng bắt đầu mào tinh hoàn cứng, bìu dái không sưng không đỏ, lúc vỡ mủ, nước mủ chảy trong, loãng có chất vữa rất dễ phân biệt.

Biện Chứng Luận Trị

+ Thể Cấp Tính: tinh hoàn sưng đau, ấn đau nhiều, bìu dái sưng nóng đỏ, da căng bóng, sốt, sợ lạnh, miệng khát, buồn nôn, đau đầu, tiểu ít, tiểu buốt, bụng dưới đau, rêu lưỡi vàng dày, mạch Huyền Sác.

Điều trị: Thanh nhiệt giải độc, lợi thấp tiêu sưng. Dùng bài Long Đởm Tả Can Thang gia giảm.

Trên lâm sàng thường gặp hai loại sau:

1- Thấp Nhiệt Hạ Chú: Đa số gặp ở thanh niên. Dịch hoàn sưng to, đau, da vùng bìu dái sưng nóng đỏ, bụng dưới đau, kèm sốt, sợ lạnh, rêu lưỡi vàng dầy, mạch Hoạt Sác.

Điều trị: Thanh tả thấp nhiệt ở kinh Can. Dùng bài Long Đởm Tả Can Thang gia giảm (Long đởm thảo, Sài hồ, Hoàng cầm, Hoàng bá, Chi tử, Trạch tả, Quất hạch, Ngưu tất đều 10g, Xích thược 15g, Tử hoa địa đinh 20g, Bản lam căn, Kim ngân hoa đều 30g, Mộc thông 6g. Sắc uống).

Đau nhiều thêm Diên hồ sách, Kim linh tử, Tiểu hồi. Sốt cao không hạ, tăng Sài hồ và Hoàng cầm lên đều 5g, thêm Liên kiều 15g. táo bón thêm Đại hoàng 10g (cho vào sau)

Chưa làm mủ, thêm Thấu Nùng Tán.

2- Uẩn Độc Hạ Chú: Thường gặp ở trẻ nhỏ. Thường do biến chứng của Quai bị. Dịch hoàn sưng to, đau, kèm sợ lạnh, sốt, không hoá thành mủ, lưỡi vàng, mạch Sá.

Điều trị: Thanh nhiệt, giải độc. Dùng bài Phổ Tế Tiêu Độc Ẩm hợp với Kim Linh Tử Tán gia giảm.

3- Hàn Thấp Ngưng Trệ: Dịch hoàn sưng to, cứng, đau không chịu được, vùng bìu dái lạnh, sợ lạnh, tay chân lạnh, lưỡi trắng nhạt, mạch Trầm Huyền.

Điều trị: Ôn noãn Can Thận, thông dương, tán kết. Dùng bài Đương Quy Tứ Nghịch Thang hợp với Ngô Thù Du Sinh Khương Thang gia vị: Quế chi, Bạch thược, Tế tân, Đại táo, Ngô thù du, Sinh khương, Mộc thông, Sài hồ, Chỉ xác, Đào nhân, Hồng hoa, Ngưu tất.

(Đây là bài Đương Quy Tứ Nghịch Thang hợp với Ngô Thù Du Sinh Khương Thang thêm Sài hồ, Chỉ xác, Đào nhân, Hồng hoa, Ngưu tất. Trong bài dùng Quế Chi Thang, Tế tân, Ngô thù du để ôn noãn Can Thận; Sài hồ, Chỉ xác thư Can, lý khí; Đào nhân, Hồng hoa, Đương quy hoạt huyết, dưỡng huyết; Mộc thông lợi thấp; Ngưu tất dẫn thuốc xuống dưới) (Trung Y Cương Mục).

4- Can Lạc Không Điều Hoà: Dịch hoàn sưng to, đau, xệ xuống, trở nên cứng, lâu ngày không khỏi, mầu da vùng bệnh sạm tối, trở nên có mủ, vỡ, chảy mủ trắng đục, rêu lưỡi trắng nhạt, mạch Trầm Huyền Tế.

Điều trị: Sơ Can, lý khí, hoạt huyết, tán kết. Dùng bài Quất Hạch Hoàn gia vị: Quất hạch, Mộc hương, Chỉ thực, Hậu phác, Xuyên luyện tử, Đào nhân, Nguyên hồ, Nhục quế, Côn bố, Hải tảo, Hải đới, Mộc thông, Lệ chi hạch.

(Đây là bài Quất Hạch hoàn thêm Lệ chi hạch. Trong bài Quất hạch, Lệ chi hạch, Mộc hương, Chỉ thực, Hậu phác, Xuyên luyện tử sơ Can, hành khí; Đào nhân, Nguyên hồ hoạt huyết, hành huyết; Nhục quế ôn dương hoá thấp; Côn bố, Hải tảo, Hải đới nhuyễn kiên, tán kết; Mộc thông lợi thấp).

Nếu sau khi vỡ mủ mà mủ ra loãng là dấu hiệu Can Thận âm hư, thêm Lục Vị Địa Hoàng Hoàn để tư bổ Can Thận. Khí huyết đều suy, dùng thêm Thập Toàn Đại Bổ Thang. (Trung Y Cương Mục).

+ Thể Mạn Tính: tinh hoàn có cục cứng, không đau hoặc hơi đau và có cảm giác đau tức, bụng dưới đau tức, tinh thần mệt mỏi, chất lưỡi hơi thâm, rêu lưỡi mỏng hoặc nhầy, mạch Huyền Hoạt.

Điều trị: Sơ can, lý khí, hóa ứ, tán kết. Dùng bài Câu Quất Thang Gia Giảm.

Gia giảm: Khối u khó tiêu thêm Tam lăng, Nga truật, Bào sơn giáp. Có tràn dịch màng tinh thêm Xích linh, Trạch tả.

Trên lâm sàng thường gặp hai loại sau:

. Khí Trệ Huyết Ngưng: Dịch hoàn sưng cứng, tinh hệ sưng, đau ê ẩm, đau lan đến bụng dưới, đa số không có chứng trạng toàn thân, lưỡi nhạt, bệu, mạch Hoạt.

Điều trị: Sơ Can, lý khí, hoá đờm, tán kết. Dùng bài Quất Hạch Hoàn gia giảm (Quất hạch, Xuyên luyện tử, Cương tằm, Xuyên sơn giáp, Quất hạch, Lệ chi hạch, Ngưu tất, Ô dược, Sài hồ đều 10g, Sơn tra hạch, Hạ khô thảo, Côn bố đều 15g, Xích thược 20g, Tiểu hồi, Thục phụ tử đều 6g. Sắc uống).

. Dương Hư Hàn Ngưng: Dịch hoàn sưng cứng, tinh hệ sưng, lúc đau lúc không, bìu dái lạnh. Có thể kèm đau lưng, liệt dương, di tinh, lưỡi nhạt hoặc có vết răng.

Điều trị: Ôn thận, tán hàn, lý khí, tán kết. Dùng bài Hữu Quy Hoàn hoặc Dương Hoà Thang gia giảm.

Thuốc Dùng Ngoài

+ Cấp Tính: lúc mới bắt đầu bị, dùng Kim Hoàng Tán hoặc Ngọc Lộ Tán, hoà với nước đắp, đeo giây nâng bìu dái. Đã có mủ thì rạch tháo mủ, dùng gạc tẩm thuốc Cửu Nhất Đơn dẫn lưu. Lúc hết mủ dùng Sinh Cơ Tán hoặc Sinh Cơ Bạch Ngọc Cao.

+ Mạn tính: Dùng Thông Quy Thấp Thủng Thang sắc lấy nước rửa hoặc đắp Xung Hòa Cao.

Phòng Bệnh Và Điều Dưỡng

. Tránh không để chấn thương tinh hoàn và bìu dái.

. Tinh thần thanh thản, tránh bực bội gây tổn thương can.

. Tích cực trị bệnh đường tiểu.

. Lúc bị viêm tinh hoàn cấp phải được nghỉ ngơi đầy đủ, chú ý có khăn nâng bìu dái.


Tổng lượt xem: 304890
Lượt xem trong tháng: 4004
Lượt xem trong ngày: 107
Đang xem: 3

 

 
Dan Phuong传统东方医学产品 
网站内容仅供参考
未经医生同意,患者不得擅自使用该信息进行治疗
版权所有 © 2014 属于 Dan Phuong传统东方医学
地址: