PHẦN 1

KẾT MẠC VIÊM

Đại cương

Theo cơ thể học, chứng này có thể gọi là Viêm Màng Tiếp Hợp.

Thường gọi là Mắt Đau Cấp Tính, Đau Mắt Đỏ (vì có sưng đỏ) hoặc Đau Mắt Gió (vì ra gió thường bị chảy nước mắt).

Bệnh hay lây, thường phát vào mùa hè. Ở giai đoạn cấp tính, nếu không điều trị kịp thời và đúng mức sẽ chuyển sang thể mạn tính.

Theo YHCT:

+ Vì bệnh phát triển 1 cách nhanh chóng nên được gọi là Bạo Phong Khách Nhiệt.

+ Bệnh có dấu hiệu mắt sưng đỏ, mắt đau nên còn gọi là Hỏa Nhãn, Hỏa Nhãn Thống, Hồng Nhãn, Phong Hỏa Nhãn Thống, Phong Nhiệt Nhãn.

+ Bệnh có tính chất lây lan thành dịch, nhiều người cùng bị vì vậy cũng được gọi là Thiên Hành Xích Mục, Thiên Hành Xích Nhãn.

Triệu Chứng

Cách chung, trên lâm sàng thường gặp 2 loại sau:

1- Cấp Tính: Phát bệnh nhanh, tròng trắng đỏ, sưng, nóng, nhiều dử (ghèn), sợ sáng, nhìn không rõ, mi mắt hơi sưng, mũi nghẹt, mũi chảy nước, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, mạch Phù Sác.

2- Mạn Tính: Tròng trắng mắt dầy lên, nhiều tia máu, ngứa, nhặm, nóng, khô, sợ ánh sáng, nhìn lâu mỏi mắt. Bệnh thường kèm mệt nhọc toàn thân, tăng nhiệt độ cơ thể, nhức đầu, táo bón, tiểu ít, rêu lưỡi vàng, mạch Sác.

Thường 1 bên mắt bị trước, mắt kia bị sau.

Bình thường bệnh diễn biến 3-4 ngày thì khỏi, riêng các vết xuất huyết dưới kết mạc còn đọng lại lâu hơn, chừng 1 tuần mới hết.

Nguyên nhân

+ Theo YHHĐ: do tụ cầu khuẩn vàng và trực khuẩn gram âm Kanweeks. Nếu gây ra thành dịch thường do Adeno Virus. Riêng tại Việt Nam có một nguyên nhân phổ biến là do bệnh mắt hột gây nên.

+ Theo YHCT: Màng tiếp hợp (tròng trắng mắt) thuộc tạng Phế, 2 bên khóe mắt thuộc tạng Tâm. Hai tạng trên có nhiệt lại thêm nhiệt độc bên ngoài xâm phạm làm cho nhiệt uất lại gây nên mắt sưng, đau, đỏ. Nếu nhiệt không được giải trừ sẽ tụ lại, chuyển thành mạn tính.

+ Cấp tính thường do phong nhiệt, dịch độc xâm phạm vào Phế gây nên.

+ Mạn tính: do Phế và Tỳ tích nhiệt gây nên.

Điều trị

+ Cấp tính: Sơ phong, tán tà, giải độc.

+ Mạn tính: Thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc, tán tà.

+ Cấp Tính: Chọn dùng

Bát Chính Tán (02), Đạo Xích Tán (29), Giải Độc Tiêu Thủng Thang (35), Khu Phong Minh Mục Pháp (43), Khu Phong Tán Nhiệt Ẩm Tử (44), Minh Mục Tế Tân Thang (60), Tẩy Can Tán (97), Thanh Giải Thang (105), Tiêu Phong Dưỡng Huyết Thang (123).

+ Mạn Tính:

Gia Vị Tán (34), Minh Mục Lưu Khí Thang I (58), Tả Phế Ẩm (90), Tiêu Viêm Minh Mục Tán (126).

+ Rễ Hoàng đằng rửa sạch 50g, sắc với 200ml nước cho sôi kỹ, xông hơi vào mắt còn nước cho cho còn hơi âm ấm, rửa mắt. kết quả cao trong phòng và trị bệnh Kết Mạc Viêm trên.

Thuốc Nhỏ:

Hồ Tuyên Nhị Liên Thang (37), Thanh Lương Cao (106).

+ Ốc bươu 1 con sống, Hoàng liên 4g, giã dập, cho thêm 4g Nghệ vào, giã nát. Thêm vào ít nước, trộn đều, lọc lấy nước, bỏ bã, phơi sương một đêm. Cậy mai ốc ra, rót nước thuốc trên vào, để ngửa con ốc, đem hấp chín. Trút nước ra, để nguội, nhỏ vào mắt, ngày 2 – 3 lần (Gia Viên Dược Thảo).

CHÂM CỨU

+ Phong trì, Thái dương, Hợp cốc (thêm Tinh minh, Suất cốc) [Châm Cứu Học Thượng Hải).

+ Tinh minh, Đồng tử liêu, Thái dương, Ấn đường, Khúc trì, Hợp cốc (Châm Cứu Học Việt Nam).

+ Châm Hợp cốc, Khúc trì, Toàn trúc, Ty trúc không, Tinh minh, Đồng tử liêu (Trung Y Ngũ Quan Khoa Học).

+ Theo sách ‘Thực Dụng Châm Cứu Đại Toàn’:

. Do ngoại cảm phong nhiệt: khứ phong, thanh nhiệt, châm Phong trì, Hợp cốc, Thiếu thương, Thái dương, Thượng tinh (Phong trì tán phong nhiệt, Hợp cốc thanh nhiệt, giải biểu; Thiếu thương, châm ra máu để thanh tiết hỏa của kinh Phế; Thượng tinh, Thái dương châm ra máu để tán uất nhiệt, thanh trừ thủng đau).

. Do Can Đởm Vị nhiệt: Thư Can, giải uất, thanh Vị, tả hỏa. Châm Hành gian, Hiệp khê, Nội đình, Đồng tử liêu.

(Hành gian, Thái xung, Hiệp khê để thanh tả hỏa của Can, Đởm; Nội đình tiết nhiệt ở kinh Dương minh Vị; Đồng tử liêu, Đầu lâm khấp để sơ tiết uất nhiệt ở kinh Đởm, có tác dụng trị bệnh ở mắt; Thái dương để sơ tán uất nhiệt, tiết nhiệt, tiêu thủng).

+ Theo sách ‘Trung Y Cương Mục’:

. Do ngoại cảm phong nhiệt: Thanh tả phong nhiệt, tiêu thủng, định thống. Châm tả huyệt Hợp cốc, Thái xung, Tinh minh, Thái dương.

Nếu cảm phong nhiệt: thêm Thiếu thương, Thượng tinh.

(Hợp cốc điều hòa kinh khí của dương minh, sơ tiết phong nhiệt; Thái xung giáng Can hỏa; Tinh minh tiết nhiệt ở cục bộ, thông lạc, làm sáng mắt; Thái dương (châm ra máu) để tiết nhiệt, tiêu viêm, định thống. Cảm phong hàn thêm Thiếu thương, Thượng tinh để sơ phong, thanh nhiệt).

. Do Hỏa Ở Can Đởm Thịnh: Sơ tả Can Đởm, thanh nhiệt, làm sáng mắt. Châm Phong trì, Đồng tử liêu, Toàn trúc, Thiếu thương, Hợp cốc, Hành gian.

(Phong trì thanh tả hỏa ở Đởm; Hành gian tả hỏa ở Can; Hợp cốc tả nhiệt ở vùng đầu, mắt, Thiếu thương, châm ra máu để tả nhiệt, lương huyết; Đồng tử liêu, Toàn trúc là huyệt cục bộ, châm ra máu để thanh nhiệt, hóa ứ, tiêu thủng, chỉ thống).

NHĨ CHÂM: Châm huyệt Mắt, Can, Nhĩ tiêm, Tĩnh mạch sau tai (Trung Y Cương Mục).

BẢNG PHÂN BIỆT LÂM SÀNG

Bốn bệnh: + Kết Mạc Viêm. + Giác Mạc Viêm.

+ Mống Mắt Viêm. + Cơn Glôcôm Cấp.

Kết Mạc

Viêm Cấp

Giác Mạc

Viêm

Mống Mắt

Viêm

Cơn Glôcôm

Cấp

-  Ngứa, cộm mắt.

- Thị lực không giảm.

- Tiết ra dử.

- Cương tụ màng tiếp hợp, từ cùng đồ vào gần giác mạc thì bớt.

- Giác mạc bình thường.

- Mống mắt và đồng tử bình thường.

- Nhãn áp bình thường.

. Nhức, chói.

. Thị lực giảm.

. Không ra dử.

. Cương tụ quanh rìa giác mạc nhiều ít tùy độ viêm.

. Giác mạc có vết loét hoặc thẩm lậu đục.

. Mống mắt và phản xạ đồng tử bình thường.

. Nhãn áp bình thường.

+ Nhức âm ỉ.

+ Thị lực giảm dần.

+ Không ra dử.

+ Cương tụ quanh rìa giác mạc, mầu hồng.

+ Giác mạc bình thường.

+ Mống mắt phù nề, nhạt mầu,có chất tiết. Đồng tử thu nhỏ, méo, phản xạ kém.

+ Nhãn áp bình thường.

. Nhức mắt + nửa đầu.

Thị lực giảm đột ngột.

. Không ra dử.

. Cương tụ quanh rìa giác mạc và màng tiếp hợp, mầu tím đỏ sẫm.

. Giác mạc hơi mờ đục như kính có hơi nước.

. Mống mắt cương tụ, đồng tử dãn nông, phản xạ mất.

. Nhãn áp rất cao.

M Ắ T S Ư N G Đ A U Đ Ỏ

(Trích trong ‘Tạp Chí Đông Y’ số 74, Việt Nam).

Nguyễn Thị V.., 46 tuổi. Đi làm ngoài đồng về, thấy đau nhức đầu, tai ù, mắt buốt, chóng mặt.. rồi sinh ra mắt giật, sưng đau, đỏ, buốt, chói không mở mắt được, lại phải nhờ người dắt.

Trước đó 2 năm đã đau một lần, điều trị tại bệnh viện Hà Nội, sau đó hỏng một mắt. Đến tháng 9 lại đau, chữa ở bệnh viện Hải Dương không khỏi, sau chữa ở tập đoàn Kiến An 3 tháng mới khỏi. Nay lại bị đau nhưng lần này đau nặng qúa không nhìn thấy tị gì.

Khám: Người béo đen, 2 mắt sưng, tròng trắng đỏ như máu, trong mắt có cảm giác lờ mờ như màng khói, nhìn như trứng con tằm, tiếng nói khoẻ, hơi thở mạnh, thường không ngủ được, đại tiện táo bón, 3 – 4 ngày mới đi 1 lần. Mạch hữu xích Thực, tả xích Hồng, Hoạt.

Chẩn đoán: Âm thủy suy, Tâm Can hỏa thịnh gây đau.

Xử phương: Tứ Vật (Khung, Quy, Thục, Thược), tăng Bạch thược, thêm Huyền sâm, Hoàng bá, Phòng phong, Khương hoạt, Chi tử, Đại hoàng.

Uống 3 thang, mắt đỡ buốt. Uống tiếp bài trên. Sau 4 ngày, đi ngoài dễ ( nhuận), đầu đỡ buốt và ù. Uống tiếp bài trên, bỏ Đại hoàng. Ngày thứ 5 mắt đỡ nhiều, uống bài trên, thêm Cúc hoa, Cam thảo, Chi tử, Tật lê, Dạ minh sa, Thanh tương tử.

Ngày thứ 6, đỡ nhiều hơn trước, dùng Lục Vị, bỏ Sơn thù, thêm Bạch thược, Bạch tật lê, Thanh tương tử, Dạ minh sa, tăng Đơn bì và Ngưu tất.

Uống liên tục 2 tuần thì khỏi hẳn.

MẮT SƯNG ĐAU KHÔNG NHẮM MỞ ĐƯỢC

(Trích trong ‘Châm Cứu Bách Bệnh Thực Dụng Nghiệm Phương’ của Thẩm Tá Đình).

Hoàng Lục Lập, 11 tuổi. Hai mắt sưng đau không nhắm mở được, tròng mắt có gân máu, mắt bên trái nặng hơn. Bệnh đã hơn một tháng, dùng nhiều thuốc mà không có kết quả.

Châm tả huyệt Tinh minh, Toàn trúc, Ngư yêu, Thượng tinh, Hợp cốc. Châm ra máu Ty trúc không, Nhĩ tiêm, Ẩn bạch, Lệ đoài.

Kết quả: Mắt thấy nhẹ hơn, mở mắt được.

Châm lần thứ hai: giống như trên, hết nhức.

Lần thứ ba, tư cũng châm như trên. Kết quả: tròng trắng bớt gân máu, mắt hơi thấy được.

Trị lần thứ năm như trên. Kết quả gân máu tan nhiều, hai mắt hết nhức, ngày hôm sau thấy rõ hơn.

Châm lần thứ sáu cũng như trên, mắt mở to được.

Lần thứ bẩy cũng giống như trên. Kết quả: Mắt mở thấy ánh sáng, mắt bên trái chưa thấy rõ.

Châm lần thứ tám, chín cũng như trên. Mắt nhẹ nhiều, mắt bên phải thấy rõ hơn nhưng bên trái chưa thấy rõ lắm.

Lần thứ mười, mười một: giống trên nhưng không dùng huyệt Ẩn bạch và Lệ đoài nữa.

Kết quả: bệnh khỏi hẳn.

Tra Cứu Bài Thuốc

Bát Chính Tán (02), Đạo Xích Tán (29), Gia Vị Tán (34), Giải Độc Tiêu Thủng Thang (35), Khu Phong Minh Mục Pháp (43), Khu Phong Tán Nhiệt Ẩm Tử (44), Minh Mục Lưu Khí Thang I (58), Minh Mục Tế Tân Thang (60), Tả Phế Ẩm (90), Tẩy Can Tán (97), Thanh Giải Thang (105), Tiêu Phong Dưỡng Huyết Thang (123).Tiêu Viêm Minh Mục Tán (126).

Thuốc Nhỏ:

Hồ Tuyên Nhị Liên Thang (37), Thanh Lương Cao (106).

KẾT MẠC VIÊM DỊ ỨNG MÙA XUÂN

Đại cương

Là chứng kết mạc viêm xẩy ra vào 1 mùa nhất định trong năm, thường là vào mùa xuân, vì vậy còn gọi là Kết Mạc Viêm Mùa (Conjonctivité saisonnière).

Thường gặp nơi thanh thiếu niên, nam nhiều hơn nữ.

Nguyên nhân

+ YHHĐ: Do vi khuẩn, virus.

+ YHCT: Do thấp nhiệt ở kinh Phế, Tỳ, Can hợp với phong tà gây nên bệnh.

Điều trị

Khu phong, thanh nhiệt, lợi thấp.

Tẩy Can Tán (97) thêm Liên kiều, Ngưu bàng tử.

KHÍ LỰU

Đại Cương

Khí lựu là một loại u lành có nhiều u cục nổi rải rác hoặc tập trung ngoài da, to nhỏ không đều.

Theo Y học hiện đại thuộc loại U xơ thần kinh da.

Nguyên Nhân

+ Ngoại cảm hàn tà ở người lao động mệt mỏi quá sức. Phế chủ bì mao, Phế khí mất tuyên thông, khí tụ đờm kết mà sinh chứng lựu.

+ Ưu tư lo nghĩ nhiều lâu ngày gây Phế khí uất trệ, vệ khí không thông, khí kết cũng thành lựu.

Triệu Chứng

Bệnh phát nhiều ở tuổi dậy thì, trẻ em cũng có phát hiện ít, mọc nhiều ở thân mình, có ít ở chân tay hoặc mặt, u nồi lên ở da, hình thái to nhỏ không đều, nhỏ bằng hạt đậu hoặc to bằng quả trứng hoặc to hơn, số lượng không chừng, từ 3 đến 5 hạt cho đến hàng trăm rải rác khắp mình, thường mọc dọc theo sợi dây thần kinh thành chuỗi, chất mềm, sắc da không thay đổi, hoặc hơi đỏ nhạt, bề mặt trơn tru, phát triển chậm, có khi hơn 10 năm chẳng to lên bao nhiêu, thường không đau. Triệu chứng toàn thân thường có như trẻ phát dục chậm, trí lực đần độn, xương cốt dị dạng, da nhão, mầu da thâm, tuổi càng lớn thì bệnh nặng hơn. Trường hợp cục u đột biến to lên, bệnh nhân có cảm giác tê đau là dấu hiệu ung thư hóa.

Chẩn Đoán

Chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng:

. Bệnh phát sinh nhiều ở thân mình, nhiều cục to nhỏ khác nhau.

. U nổi lên ngoài da, mềm, ấn lõm nhưng nổi lên ngay, bề mặt trơn tru, sắc tố da kết tụ tại chỗ u, không có cảm giác đau.

Điều Trị

Thông khí tuyên phế, hóa đờm, khai kết.

+ Thông Khí Tán Kiên Hoàn (Y Tông Kim Giám): Nhân sâm, Cát cánh, Xuyên khung, Thiên hoa phấn, Hoàng cầm (sao rượu), Chỉ xác (sao mạch), Trần bì, Bàn hạ chế, Bạch linh, Đởm tinh, Bối mẫu (bỏ tim) Hải tảo, Hương phụ, Thạch xương bồ, Sinh cam thảo đều 60g, tán bột mịn, lấy nước sắc lá Sen làm hoàn, to bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 3g trước lúc ăn với nước sắc Đăng tâm, gừng tươi. Trường hợp mệt mỏi cho uống viên Bổ Trung Ich Khí mỗi lần 4 - 5g, ngày 2 lần.

+ Hóa Đờm Tiêu Hạch Phương (Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn): Quất bì, Quất hạch, Tuyền phúc hoa, Đào nhân đều 4,5g. Uất kim đều 4,5g, Sơn chi (sao) 12g, Kê huyết đằng, Hạnh nhân, Ý dĩ nhân, Hương phụ đều 9g, Đơn bì, Đởm tinh, Thiên trúc hoàng đều 8g, Việt Cúc Hoàn (uống với nước thuốc), sắc uống. Trường hợp mọc nhiều cả chân tay gia chế Bán hạ, Thiên trúc hoàng đều 9g, Bạch giới tử 3g, La bạc tử 4,5g; Ngoài ra dùng Bạch giới tử lượng vừa đủ, giã nát đắp ngoài Người mệt mỏi dùng thêm Tứ Quân Tử Thang.

+ Miết Giáp Tiêu Lựu Phương (Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn): Huyền sâm 12g, Mẫu lệ 30g, Xuyên bối, Miết giáp, Mộc hương, Côn bố, Hải táo, Uất kim, Hạ khô thảo đều 9g, Bán chi liên, Bạch hoa xà thiệt thảo, Đơn sâm đều 15g, chế thành cao, mỗi viên 0,25g mỗi lần 2 viên, ngày uống 3 lần, liệu trình 1 tháng, có thể uống thuốc 3 liệu trình.

Thuốc Dùng Ngoài

+ Tiêu Lựu Nhị Phản Cao (Ngoại Khoa Đại Thành): Cam toại, Nguyên hoa, Đại kích, Cam thảo, lượng bằng nhau tán bột mịn, trộn dấm và nước gừng đắp.

Nếu u to hoặc mọc ở mặt làm ảnh hưởng mỹ quan và hoạt động nên cắt bỏ hoặc thắt cho cục u hoại tử tự rụng.

LANG BEN

(Tinea Versicdor)

Là một bệnh da thường gặp ở vùng nhiệt đới.

Nam bị nhiều hơn nữ.

Bệnh thường gặp nơi trẻ, trung niên, nơi người lao động, vận động cơ thể, ra mồ hôi nhiều, thanh niên ở tuổi dậy thì.

Mùa hè phát nhiều hơn mùa đông.

Thường bị ở nửa phía trên cơ thể.

Nguyên nhân

Do loại nấm có tên khoa học là Pityrosporum orbiculare.

Bệnh lây trực tiếp từ người này sang người khác hoặc gián tiếp qua đồ dùng cá nhân như mùng mền, chăn, quần áo, khăn mặt…

Có bệnh lây do nấm hoặc bào tử nấm bay trong không khí hoặc bám vào da. Nhưng không phải cứ tiếp xúc với nấm là bị lây mà còn lệ thuộc vào vấn đề vệ sinh da, sức đề kháng của da, độ pH và độ ẩm của da.

Triệu Chứng

Vị trí lang ben thường gặp ở phần trên cơ thể (cổ, ngực, hông sườn, phái trong cánh tay, bụng, lưng…).

Lang ben thường biểu hiện ở hai dạng sau:

+ Ở vùng kín, không phơi ra ánh sáng: vùng tổn thương là các dát trên đó có vẩy mịn, có mầu cà phê sữa, mầu nâu, đỏ, đen… trên bề mặt có vẩy nhẹ, cạo bong ra như phấn. Ra nắng hoặc nóng nực cũng có cảm giác ngứa. Thường gặp ở mặt trong đùi, mặt trong cánh tay, thân mình.

+ Ở vùng phơi ra ánh sáng: Dát có mầu trắng (vì da vùng tổn thương không hấp thu được tia tử ngoại) nằm rải rác hoặc thành mảng lớn, trên đó có ít vẩy mịn, khi cạo thì rớt ra như phấn. Bình thường các vết tổn thương không ngứa hoặc ngứa ít nhưng khi ra nắng hoặc mồ hôi tiết ra nhiều thì ngứa lâm râm như kim đâm.

Có người vừa bị dạng mầu trắng và vừa dạng mầu nâu.

Da bị thâm nhiễm sẽ nhạt mầu dần với thời gian do các lớp da mới sẽ thay thế dần.

Điều Dưỡng

+ Điều trị lang ben phải triệt để điều trị cho tất cả thành viên trong gia đình hoặc tập thể sống chung.

+ Đồ dùng cá nhân phải giặt sạch, phơi nắng và ủi trước khi dùng, không mặc quần áo ẩm ướt.

+ Sau khi tắm, cần lau người cho thật khô rồi mới mặc quần áo vào.

+ Phải kiên nhẫn bôi thuốc lâu dài, đủ thời gian. Thường sau khi bôi thuốc và cảm thấy khỏi rồi, cần bôi tiếp tục củng cố thêm 1-2 tuần lễ nữa để diệt hẳn những sợi nấm và bào tử nấm còn sót lại.

+ Cần điều trị cùng lúc cho tập thể trong gia đình, cùng phòng… đã bị lây, như vậy mới dập tắt được nguồn lây.

+ Trừ trường hợp mầu trắng, các trường hợp có mầu hồng nhạt, nâu đều dễ nhận biết kết quả điều trị khi thương tổn da đã nhạt mầu. Riêng thương tổn mầu trắng rất khó nhận biết. Vì vậy, sau khi điều trị đủ thời gian, cần phơi vùng thương tổn dưới nắng để da có mầu lại.


Tổng lượt xem: 304830
Lượt xem trong tháng: 3944
Lượt xem trong ngày: 47
Đang xem: 1

 

 
Dan Phuong传统东方医学产品 
网站内容仅供参考
未经医生同意,患者不得擅自使用该信息进行治疗
版权所有 © 2014 属于 Dan Phuong传统东方医学
地址: