CHỮA BỆNH GOUT THEO ĐÔNG Y

CHỮA BỆNH GOUT THEO ĐÔNG Y 

Bệnh Gout, Đông y gọi là bệnh thống phong, phần lớn xảy ra ở nam giới. Bệnh không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống, mà nó còn gây ra biến chứng nguy hiểm. Thống phong thuộc chứng Tý trong Đông y.   
Ngoại tà xâm nhập 
Ở phương diện Tây y, nguyên nhân gây bệnh gout là do sự rối loạn chuyển hóa acid uric làm tăng lượng acid uric trong máu. Bệnh có liên quan đến các yếu tố: gia đình, lối sống, chế độ sinh hoạt, ăn uống (uống nhiều rượu, bia; ăn uống quá dư thừa; ăn nhiều chất có chứa purine như tạng phủ, bộ đồ lòng động vật); một số bệnh rối loạn chuyển hóa (như: tiểu đường, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch...); béo phì; một số thuốc trị bệnh... 
Còn ở khía cạnh y học cổ truyền, theo lương y Phạm Như Tá (Hội Đông y Q.Bình Thạnh, TP.HCM): bệnh thống phong là do ngoại tà xâm nhập cơ thể, gây tắc nghẽn kinh lạc, khí huyết bị ứ trệ tại khớp, gây đau, co duỗi khó khăn. Bệnh thống phong thuộc phạm trù chứng Tý trong Đông y. 
Về biểu hiện lâm sàng, thống phong có 2 thể, cấp tính và mãn tính. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sưng đột ngột ở khớp bàn chân, ngón cái, hay ngón chân, cổ chân, gối...; bệnh nhân đau dữ dội, thường đau vào ban đêm; khớp đỏ sẫm, ấn đau nhiều, hoạt động hạn chế. Triệu chứng kéo dài 2-3 ngày hoặc 5-6 ngày rồi khỏi không để lại di chứng, nhưng rất dễ tái phát. 
Còn ở thể mãn tính (thường là do bệnh cấp tính mà thành), người bệnh bị viêm nhiều khớp (khớp nhỏ, vừa và đối xứng), đau nhiều, kéo dài, tại khớp có thể sưng nóng đỏ không rõ, nhưng thường kèm sốt, khớp dị dạng, co duỗi khó khăn, xuất hiện cục u quanh khớp, dưới da, vành tai (tôphi) mềm, không đau, bên trong chứa chất màu trắng ngà. Bệnh tiến triển lâu ngày gây tổn thương thận (viêm thận, sạn tiết niệu, tiểu máu, suy thận cấp, mạn)... 
Phép trị theo Đông y 
Theo lương y Như Tá, phép trị cần chú ý đến giai đoạn phát triển của bệnh. Đối với thể cấp tính chủ yếu là dùng phép thanh nhiệt thông lạc khu phong trừ thấp; đối với thể mãn tính thường kèm theo đàm thấp, ứ huyết, hàn ngưng. Tùy chứng mà dùng các phép hóa đàm, trừ thấp, hoạt huyết thông lạc, ôn kinh, tán hàn. Đồng thời chú ý đến mức độ hư tổn của âm dương, khí huyết, can thận mà bồi bổ thích hợp. Ở thể cấp tính, biểu hiện chính là thể phong thấp nhiệt - đột ngột khớp ngón cái, hoặc các khớp nhỏ khác sưng nóng đỏ đau, không đụng vào được, kèm theo sốt, đau đầu, sợ lạnh hoặc bứt rứt, khát nước, miệng khô, tiểu vàng, lưỡi đỏ, rêu vàng bẩn, mạch sác. 
Phép trị là thanh nhiệt, thông lạc, khu phong, trừ thấp, bài thuốc là, Bạch hổ gia quế chi thang gia giảm, gồm: thạch cao 40-60gr (sắc trước), tri mẫu, bạch thược, xích thược (mỗi thứ 12gr), 4-6gr quế chi, dây kim ngân 20-30gr, phòng kỷ, mộc thông, hải đồng bì (đều 10gr), và 5-10gr cam thảo. Đem sắc uống ngày l thang, trong lúc bị sưng đỏ nóng sốt. Nếu thấp nhiệt nặng (sưng tấy, đau nhiều), thì gia thêm 40-50gr dây kim ngân, thổ phục linh, ý dĩ (để tăng trừ thấp); hoặc gia thuốc hoạt huyết như toàn đương qui, đan sâm, trạch lan, đào nhân, hồng hoa, tằm sa, là để hóa ứ chỉ thống. 
Đối với thể mãn tính (mạch trầm huyền hoặc khẩn, lưỡi nhợt, rêu trắng...), phép trị là, khu hàn, thông lạc, trừ thấp, chỉ thống. Dùng các vị thuốc: chế ô đầu, tế tân (4-5gr, sắc trước), tỳ giải, toàn đương qui, xích thược (mỗi vị 12gr), mộc thông, uy linh tiên (mỗi vị 10gr), 16gr thổ phục linh, 20gr ý dĩ nhân, 4-6gr quế chi. Đem sắc uống. Nếu bị sưng đau, nhiều khớp cứng, rêu lưỡi trắng bẩn dày, thì thêm: chích cương tàm, xuyên sơn giáp, tạo thích, hy thiêm thảo, hải đồng bì (để tăng tác dụng hoạt lạc, trừ đàm). 
Nếu đau nhiều do huyết ứ, thì thêm ngô công, toàn yết, sao diên hồ sách, để hoạt huyết chỉ thống. Nếu thận dương hư (liệt dương, đau mỏi lưng gối, chân tay lạnh, sợ lạnh...), thì thêm bổ cốt chỉ, nhục thung dung, cốt toái bổ, để bổ thận kiện cốt định thống. Nếu có triệu chứng khí huyết hư thêm hoàng kỳ, đương qui, nhân sâm, bạch truật...


Tổng lượt xem: 305103
Lượt xem trong tháng: 4217
Lượt xem trong ngày: 80
Đang xem: 5

 

 
Dan Phuong传统东方医学产品 
网站内容仅供参考
未经医生同意,患者不得擅自使用该信息进行治疗
版权所有 © 2014 属于 Dan Phuong传统东方医学
地址: